CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA BÉLA BARTÓK (1881–1945)

Béla Bartók (1881–1945), nhà soạn nhạc lớn người Hungrary, là một trong số những nhạc sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ông có cùng chung niềm đam mê âm nhạc dân tộc với bạn mình, nhà soạn nhạc nổi tiếng Kodaly. Âm nhạc của ông mang chủ đề, âm hưởng và những giai điệu nhịp nàng của âm nhạc dân gian truyền thống Hungary mà ông đã được học. Nhạc Bartók còn là sự kết hợp giữa những ảnh hưởng mang hơi thở  thời đại với  phong cách đặc trưng riêng của người sáng tác.

Bela Bartok (1881 – 1945)

Bartók sống dưới thời Đế quốc Áo-Hung bị chia cắt bởi hiệp định Trianon sau Thế chiến thứ 2. Ông sinh ra tại Nagyszentmiklós (Great St Nicholas), sau này thành Sînnicolau Mare, thuộc Rumani. Chẳng bao lâu sau khi  cha Bartók qua đời năm 1888, bà Paula, mẹ của ông đưa gia đình đến ống ở Nagyazöllös, sau này là  Vinogradov, thuộc Ukraine, rồi đến Pozsony, hay  Bratislava, trên quê hương Slovakia nơi bà sinh ra.

Một lần tiêm chủng phòng đậu mùa đã khiến cậu bé Béla phải chịu đựng chứng phát ban dai dẳng cho đến khi cậu lên 5. Cũng chính vì lý do này, phần lớn thời thơ ấu của cậu bé Béla bị cách ly khỏi những đứa trẻ khác. Béla thường chăm chú nghe mẹ chơi piano và bộc lộ tài năng  âm nhạc từ rất sớm, cậu bắt đầu viết những bản nhạc khiêu vũ khi mới lên 9 tuổi. Việc di chuyển nơi ở thường xuyên như vậy một phần là do nguyện vọng của mẹ Bartók, bà Paula muốn con mình được học nhạc một cách tốt nhất có thể.

Ở Pozsony, Bartók học piano dưới sự hướng dẫn của những người thầy nổi tiếng. Ông tự học sáng tác bằng cách đọc bản nhạc. Do ảnh hưởng của Errno Dohnányi, học trên ông 4 năm, Bartók viết nhạc thính phòng phong cách Brahms. Năm 1899, Bartók theo Dohnányi theo học tại Học viện âm nhạc Budapest. Trong quá trình học tập tại học viện, Bartók được nghe tác phẩm Also Sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế) của Strauss. Sau này ông nhớ lại, lần đó đã chỉ cho ông thấy “có một cách sáng tác dường như nắm giữ những hạt giống của một cuộc sống mới.” Kết hợp nguồn cảm hứng mới từ âm nhạc của Strauss với chủ nghĩa dân tộc của một thanh niên Hungary nhiệt huyết, năm 1903, Bartók cho ra đời tác phẩm lớn đầu tiên của ông, một bản nhạc giao hưởng giống như một bài thơ, có tên Kossuth, để tôn vinh Lajos Kossuth, người anh hùng cuộc cách mạng Hungary năm 1848.

Sau khi tốt nghiệp học viện, Bartók chơi piano trong dàn nhạc. Ông đã biểu diễn tại  630 buổi hoà nhạc ở 22 quốc gia. Năm 1907, ông trở thành giảng viên piano tại Học viện âm nhạc Budapest. Mặc dù không đặc biệt quan tâm đến nghề giảng dạy, ông vẫn theo đuổi công việc này trong suốt 25 năm. Ông đã có nhiều đóng góp đang kể như soạn giáo án giảng dạy các tác phẩm của Bach, Mozart, Haydn và Beethoven và sáng tác nhiều tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi.

Năm 1904, trong thời gian ở vùng nông thôn Slovakia để luyện tập và sáng tác, Bartók tình cờ nghe Lidi Dósa hát ca khúc “Piros alma” (Trái táo đỏ). Ông đã hỏi Lidi về những bài hát mà bà biết. Sự tình cờ này là khởi đầu của một giai đoạn say mê với thể loại nhạc dân gian trong cuộc đời Bartók. Hai năm sau Bartók được giới thiệu với Kodaly, người sau này trở thành bạn thân của ông. Kodaly đã bắt đầu sưu tầm những đĩa nhạc dân gian Hungary trước đó còn Bartók bắt đầu sưu tập nhạc dân gian ở quận Békés, Hungary năm 1906.

Không giống Kodaly, Bartók còn quan tâm đến nhiều loại hình âm nhạc dân gian truyền thống khác, ông nghiên cứu nhạc dân gian của Rumani, Slovakia, Séc-bi, Croatia, Bun-ga-ri, Thổ nhĩ Kỳ và Bắc Mỹ, Năm 1906, trong lần đến  thăm Algeria, Bartok đã biết cách làm thế nào có thể sưu tầm được những giai điệu dân gian rải rác trên thế giới. Từ đó, ông không còn mong muốn làm bất kỳ một công việc nào khác mà những người khác đề nghị ông như vị trí “ông chủ một salon âm nhạc nổi tiếng nhất trong tương lai” chẳng hạn. Sau thời gian đó, Bartók tập trung vào việc sưu tầm, phân tích và phân loại nhạc dân gian thế giới.

Niềm đam mê này đã  khiến Bartók gặp rắc rối, đặc biệt sau Thế chiến I khi Slovakia và Rumani tách khỏi Hungary. Bartók không còn được tự do nghiên cứu và tìm hiểu ở nhiều địa danh như trước đó. Hơn thế nữa, ông còn phải chịu đựng chỉ trích ở quê nhà do có mối quan tâm “thiếu tinh thần yêu nước” đối với các dân tộc hiềm khích với Hungary. Luyến tiếc văn hoá đa dạng của các dân tộc dưới thời Đế chế Áo-Hung, Bartók mơ ước về một “tình bằng hữu giữa các dân tộc, tình anh em thay vì chiến tranh và xung đột”.

Năm 1907, Bartók đến Transylvania lần đầu tiên để nghiên cứu về người Székely, một cộng đồng người sinh sống và phát triển độc lập với những tộc người khác ở Hungary và có thể họ còn lưu giữ một trong số những truyền thống cổ. Trong thời gian sinh sống với họ, Bartok được làm quen với nhà thờ Unitarian.

Bartók là người theo đạo Thiên chúa, sự trung thành tuyệt đối với tôn giáo được dạy trong các lớp học đã khiến ông mất dần lòng tin tôn giáo ban đầu. Ông viết: “khi tôi 22 tuổi , tôi đã là một con người mới, một người theo chủ nghĩa vô thần”. Trong một lá thư viết năm 1905, Bartók tự nhận mình là người cổ suý Nietzsche và bày tỏ sự nghi ngờ của mình về những lời răn tôn giáo: “Thật kỳ quặc khi Kinh thánh nói rằng ‘Chúa đã tạo ra con người’, trong khi ngược lại: chính con người đã tạo nên Chúa trời, hoặc  ‘Thân thể là hữu hạn còn linh hồn thì bất tử’, trong khi thực tế thì ngược lại: thân thể (vật chất) là tồn tại mãi còn linh hồn chỉ ngắn ngủi, tạm thời.“

Hai năm sau sau khi rời Transylvania, Bartók gửi 2 lá thư cho nghệ sĩ violin Stefi Geyer, trong thư ông bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về niềm tin tôn giáo. Bartók gọi Chúa ba ngôi (sự hợp nhất của một Cha, Con và Thánh thần) là “điều hư cấu vụng về” làm “nô lệ hoá suy nghĩ”. “Việc thờ cúng thần bí” không phải do lỗi của Jesus, Jesus dù rất vĩ đại nhưng chỉ là một nhà đạo đức học. Bartók còn cho rằng khái niệm “Chúa trời là một Đấng vô hình, bất diệt và có mặt ở khắp mọi nơi, Người quyết định tất cả những gì xảy ra trong quá khứ và tương lai” là một khái niệm ngớ ngẩn. Sự tồn tại của vũ trụ không cần đến giả thuyết về một đấng tạo hoá, Bartok nghĩ “tại sao chúng ta không nói đơn giản rằng: tôi không thể giải thích đuợc sự tồn tại của vụ trụ và cứ để mọi việc như thế?”

Bartók nghĩ ý nghĩa cuộc đời không phải là hướng tới sự bất tử hay thế giới bên kia mà là “mang lại cho con người một vài niềm vui nho nhỏ” và để “có niềm say mê trong cuộc sống, ví dụ như mối quan tâm đối với vũ trụ đang tồn tại”. “Nếu tôi từng làm dấu thánh giá, thì hành động đó là “nhân danh Thiên nhiên, nghệ thuật và khoa học.” Ông kết thúc lá thư đầu tiên bằng câu “Lời chào từ một người không có đức tin (một người còn chân thành hơn rất nhiều người có đức tin khác)”.

Năm 1909, Bartók kết hôn với Márta Ziegler. Khi đứa con trai đầu lòng, Béla Jr, ra đời năm 1910, Bartók tuyên bố ra khỏi Unitarian (thuyết nhất thể) và tham gia Giáo hội truyền giáo Nhà thờ Cơ đốc giáo năm 1917. Hai cha con thường xuyên đi lễ ở nhà thờ Cơ đốc giáo. Bartók phụ trách dàn nhạc nhưng không thành công ở vị trí này. Ông có những quan điểm bảo thủ và hà khắc với thể loại nhạc thánh ca và không cho phép sử dụng bất kỳ thể loại nhạc cụ nào ngoài đàn organ.

Béla Bartók Jr sau này có viết lại rằng cha ông tham gia hội Unitarian chỉ bởi “ông cho rằng đó là đạo tin tự do và có tính  nhân văn nhất”. Mặc dù Bartók không phải là người sùng đạo, “ông là người yêu thiên nhiên, luôn sùng kính mỗi khi  nhắc đến sự sắp đặt thần diệu của thiên nhiên”. Bartók cũng yêu mến tất cả những gì thuộc về tự nhiên, ông sưu tầm đủ loại từ cây cỏ, khoáng chất, và đặc biệt là côn trùng. Sau này, ông đã thể hiện triết lý của mình qua một hình ảnh thiên nhiên giản dị: “Sự sống tồn tại và sinh sôi ngay trong đống phân khô này. Bạn có thể nhận thấy những con sâu, con bọ đang bận rộn làm việc để tự tìm cho mình những gì chúng cần, chúng tạo nên những hang nhỏ, lối nhỏ, rồi hoà cùng đất với những hạt giống rải rác. Chẳng bao lâu sau những mầm cỏ xanh non sẽ xuất hiện, và cứ thế cuộc đời lại tiếp tục hoàn thành vòng quay của nó.”

Quan điểm triết học cá nhân của Bartók có phần hà khắc và bi quan. Ông tự tách mình ra khỏi những người khác, không phụ thuộc vào cuộc đấu tranh tham vọng vì những thứ ông coi là “nhỏ nhặt”. Bởi thế ông luôn cảm thấy đơn độc. Trong tác phẩm đầu tiên, vở opera Bluebeard’s castle (Lâu đài yêu râu xanh) của ông, Bartók đã truyền tải cảm giác của ông về sự đơn độc hoàn toàn về tinh thần vào âm nhạc. Ông tiếp tục với chủ đề này trong vở ballet The wooden Prince (Hoàng tử gỗ) năm 1917 và vở kịch câm ballet The Miraculous Mandarin.

Được viết theo phong cách âm nhạc khác hơn so với những tác phẩm trước đó, The Mariculouss Mandarin đề cập đến những mặt xấu xa của xã hội hiện đại: mại dâm, cướp của, giết người. Buổi ra mắt đầu tiên năm 1926 đã làm thổi bùng lên cơn thịnh nộ của khán giả, vở kịch này đã bị cấm. Giới âm nhạc Hungary bảo thủ cổ suý thể loại nhạc mang phong cách của Brahm và Liszt, chống lại âm nhạc của Bartók. Trong nhiều tác phẩm kịch, Bartók đã kết hợp sáng tác cùng với những tác giả không được chính quyền ủng  hộ. Điều này cũng góp phần khiến ông không được chấp nhận.

Vào thời điểm này, tên tuổi của Bartók đã trở nên nổi tiếng trên thế giới. Hai bản sonata dành cho đàn violin của ông viết năm 1921 và 1922 cùng tác phẩm Dance Suite viết năm 1923 nhân dịp kỷ niệm thành phố Budapest hợp nhất, đã đưa ông trở thành một nhà soạn nhạc đương đại quan trọng. Năm 1926, ông sáng tác một loạt các tác phẩm dành cho piano, trong đó có bản concerto đầu tiên dành cho piano. Bản nhạc thứ 3 và thứ 4 dành cho tứ tấu đàn dây được sáng tác từ năm 1927 đến 1928, theo phong cách trừu tuợng rất đặc trưng của Bartók, là một trong số những tác phẩm được các nhà phê bình âm nhạc đánh giá là kiệt tác.

Bartók chơi piano trong dàn nhạc

Năm 1923, Bartók ly hôn với  Márta, người vợ đầu tiên. Ngay sau đó ông tái hôn với Ditta Pásztory , một sinh viên piano. Con trai thứ hai, Péter, ra đời năm 1924. Bartók đã sáng tác Mikrokosmos, gồm 6 tập tiểu phẩm phân hạng dành cho piano để làm giáo trình âm nhạc cho con trai mình.

Bartók căm ghét chế độ phát xít thống trị Hungary trong thế chiến. Năm 1919, ông và Kodaly xin rút khỏi vị trí tại Học viện vì những lý do chính trị. Vào những năm 30, Bartók từ chối biểu diễn hoặc cho phép các tác phẩm của mình được phát thanh ở Đức hay Italy. Thậm chí ông không còn từ chối biểu diễn ở Budapest. Năm 1931, ông đến Đại sứ quán Pháp để nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh (Légion d’honneur), năm đó Bartók cũng được trao giải thưởng Corvin nhưng ông đã không đến tham dự lễ trao giải vì sẽ phải nhận giải thưởng đó từ tay độc tài Hungary, Horthy.

Hầu hết các tác phẩm âm nhạc khiến Bartók nổi danh được sáng tác vào những năm 30 của thế kỷ trước, hầu hết theo lời đề nghị của các dàn nhạc nước ngoài. Ông sáng tác tứ tấu đàn dây thứ năm, cho American Elisabeth Sprague Coolidge năm 1934, Âm nhạc cho dàn dây, bộ gõ và celesta năm 1936, Sonata cho hai piano và bộ gõ năm 1937, và  Divertimento năm 1939 theo yêu cầu của nhạc trưởng người Thụy Sĩ Paul Sacher. Hai tác phẩm khác được sáng tác trong thời kỳ này là bản concerto cho đàn violin năm 1938 và tứ tấu đàn dây cuối cùng năm 1939.

Khi tình hình chính trị châu Âu trở nên bất ổn, Bartók càng muốn rời Hungary. Sau khi gửi tác phẩm viết tay ra nước ngoài , năm 1940, Bartók đến Mỹ cùng vợ, con trai Péter Bartók của ông cũng sang Mỹ hai năm sau đó và gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Còn Béla Bartók, Jr vẫn ở lại Hungary. Mặc dù được nhập quốc tịch Mỹ năm 1945, Bartók cho việc sang Mỹ sinh sống của ông là lưu vong hơn là việc di cư đơn thuần. Một điều thu hút ông sang Mỹ là cơ hội nghiên cứu bộ sưu tập nhạc dân gian Séc-bi-Croatia tại trường đại học Columbia ở thành phố New York.

Có nhiều bài báo cho rằng gia đình Bartók sống trong sự nghèo khó trong suốt quãng thời gian ở New York. Mặc dù đây không hoàn toàn là sự thật, nhưng họ đã sống trong cảnh tối tăm và không hề sung túc chút nào. Khi Bartók mắc bệnh bạch cầu, Hiệp hội nhạc sĩ, Nhà văn và Nhà xuất bản Mỹ đã đứng ra trả hết chi phí thuốc men và giúp đỡ Bartók để ông nhận được sự điều trị tốt hơn. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình Bartók, nhạc trưởng Fritz Reiner và nghệ sĩ vĩ cầm Józef Szigeti đã thuyết phục nhạc trưởng Serge Koussevitzky và dàn nhạc của ông mua tác phẩm viết cho dàn nhạc của Bartók. Năm 1944, Bartók sáng tác một bản sonata cho violin độc tấu, viết cho Yehudi Menuhin. Hai tác phẩm cuối cùng của Bartók, bản concerto thứ ba cho đàn piano và bản concerto dành cho viola chưa được hoàn tất. Nhà soạn nhạc đồng hương Tibor Serly sau này đã hoàn thành nốt hai tác phẩm của ông.

Những tác phẩm về sau của Bartók đã nắm bắt được tinh thần thời đại. Một bài phê bình năm 1946 viết rằng: “âm nhạc của Bartók là sự tôn vinh âm nhạc. Và cả thế giới thời Bartók sẽ tự hào nói rằng “Chúng tôi đã sống cùng thời với Bartók”. Nhiều tác phẩm của ông đã được lựa chọn để chơi trong dàn nhạc giao hưởng.

Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Bartók qua đời trong một bệnh viện ở New York. Bà Ditta, vợ ông và con trai Peter đã có mặt bên cạnh Bartok ở những giây phút cuối khi ông từ giã cõi đời. Tang lẽ do Đức Cha Laurence I. Neale, người đứng đầu các nhà thờ Cơ đốc giáo ở New York tổ chức. Bartok được  chôn cất ở nghĩa trang Woodlawn, New York. Năm 1988, khi “tấm rèm sắt” chia cắt Đông Âu và Tây Âu sụp đổ, con trai của ông, khi ấy là người đứng đầu Nhà thờ cơ đốc giáo Hungary, có thể đưa thi hài của cha về Budapest. Một bức tượng của Bartók được dựng trước nhà thờ Cơ đốc giáo thứ hai ở Budapest.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram

5/5 - (1 vote)
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: