Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của DOMENICO SCARLATTI (1685 – 1757)

Khi nhắc đến năm 1685, những người say mê nhạc cổ điển thường nghĩ ngay đến năm sinh của hai nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach và George Friderich Handel. Tuy nhiên, không nhiều nhớ rằng đó cũng là năm sinh của một nhà soạn nhạc tai ba khác, Domenico Scarlatti. Mặc dù để lại hậu thế một gia tài tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại: opera, cantata, nhạc tôn giáo nhưng ông được nhớ đến nhất như là tác giả của khoảng 555 bản sonata dành cho đàn phím. Những tác phẩm này ngày nay được công nhận là đã đóng góp đáng kể vào việc hình thành nên các tiêu chuẩn âm nhạc cũng như kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ. Theo niên đại, Scarlatti được xếp vào danh mục những nhà soạn nhạc Baroque. Tuy nhiên, về tính chất và phong cách sáng tác, âm nhạc của ông gần gũi và có ảnh hưởng lớn đến thời kỳ Cổ điển sau đó. Ngày nay, nhiều bản sonata của ông đã được các nghệ sĩ piano đưa vào danh mục biểu diễn của mình và thường xuyên vang lên tại các phòng hoà nhạc. Tài năng của ông đã được rất nhiều nhà soạn nhạc thế hệ sau như Mozart, Beethoven, Chopin, Liszt hay Brahms ghi nhận. Năm 1685 thật là một năm đáng nhớ trong lịch sử nhạc cổ điển.

Domenico-Scarlatti (1685 – 1757)

Domenico Scarlatti sinh ngày 26/10/1685 tại Naples, Ý. Cậu bé là con thứ sáu trong tổng số 10 người con của nhà soạn nhạc cũng rất nổi tiếng Alessandro Scarlatti. Ông Scarlatti cũng có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hơn 100 vở opera, 150 vở oratorio, 600 cantata và rất nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác. Scarlatti có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Neapolitan opera (tiền thân của các vở opera hài hước sau này). Trong đó phải kể đến việc ông đã phát triển da capo aria (hình thức aria ba đoạn ABA’ trong đó phần A được nối tiếp bằng phần B mang tính tương phản và chủ yếu viết ở giọng thứ rồi được quay trở lại phần đầu) để thể hiện diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật và là kiểu mẫu để những nhạc sĩ sau này noi theo. Scarlatti cũng là người đầu tiên định hình Overture kiểu Ý theo hình thức nhanh – chậm – nhanh là tiền đề cho sự ra đời của thể loại giao hưởng sau này. Năm 1708, Handel đã từng gặp Scarlatti và tỏ ra rất ngưỡng mộ ông. Tuy nhiên, ông Scarlatti không phải là thầy giáo dạy nhạc cho cậu bé. Gaetano Greco, Francesco Gasparini và Bernardo Pasquini mới là những người thầy của Domineco. Cha cậu bé chỉ đóng vai trò giám sát và cho cậu sống trong một môi trường đầy âm nhạc. Với nhà Scarlatti, âm nhạc không chỉ đơn thuần là nghệ thuật, đó còn được coi là công việc kinh doanh của gia đình. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết được rằng khi lớn hơn, Domenico đã đồng hành cùng cha mình trong rất nhiều công việc lớn nhỏ khác nhau. Cậu sắp xếp và sao chép các bản nhạc, căn chỉnh lại dây đàn, tập luyện cho các ca sĩ và rất nhiều hoạt động hậu trường khác nữa. Chính nền tảng này đã thúc đẩy năng khiếu âm nhạc của cậu đồng thời mở ra các mối quan hệ. Có thể nói, Domenico đã hấp thụ âm nhạc xung quanh mình tự nhiên như khi cậu thở.

Tài năng của Domenico được thừa nhận từ rất sớm. Ngay từ nhỏ cậu đã thể hiện mình là một nghệ sĩ chơi harpsichord và organ bậc thầy cũng như khả năng sáng tác. Ngày 13/7/1701, khi chưa đầy 16 tuổi, Alessandro đã được bổ nhiệm làm nhà soạn nhạc và nghệ sĩ organ của nhà nguyện hoàng gia trong cung điện Naples. Vào thời điểm này, Naples là một trong những trung tâm âm nhạc lớn tại Ý, đặc biệt opera được phát triển rất mạnh. Chính tại đây, từ năm 1703, các vở opera đầu tiên của Domenico đã được công diễn. Theo lời khuyên của cha mình, người cảm thấy con trai mình cần có những chân trời rộng mở hơn, năm 1708, Domenico đã lên đường tới Venice. Tại đây, cậu đã gặp và kết bạn với một nhà soạn nhạc trẻ cũng đầy tài năng và nhiệt huyết như mình, Handel. Hai người tôn trọng tài năng của nhau và đó là cơ sở chắc chắn để hình thành nên một tình bạn trọn đời. Cũng chính tại Venice, tài năng của Domenico với tư cách một nghệ sĩ harpsichord đã được bộc lộ và tôn vinh. Cậu đã tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn tại đây và khiến khán giả kinh ngạc về những màn trình diễn điêu luyện của mình.

Bức họa Domenico-Scarlatti (1685 – 1757)

Sau khi dừng chân ở Venice, chàng trai Scarlatti đã lên đường tới Rome. Tại đây, một lần nữa anh lại gặp Handel. Có một giai thoại về cuộc so tài của 2 nhà soạn nhạc trẻ. Dưới sự thúc đẩy của Hồng y giáo chủ Pietro Ottoboni, Scarlatti và Handel đã thi đấu biểu diễn harpsichord và organ. Scarlatti được cho là nhỉnh hơn một chút với harpsichord còn Handel thì chơi organ xuất sắc hơn. Cũng nhờ Ottoboni, Scarlatti làm quen với Thomas Roseingrave, một người Anh hâm mộ anh nhiệt thành và sau này sẽ trở thành nhà xuất bản cho Scarlatti tại London, phổ biến âm nhạc của nhà soạn nhạc tại Anh. Trong 10 năm tiếp theo của cuộc đời, Scarlatti gắn bó với Rome. Từ năm 1709-1714, anh phục vụ cho hoàng hậu Ba Lan lưu vong Maria Casimira, người sở hữu một nhà hát tư nhân tại Rome. Tại đây, Scarlatti sáng tác một số vở opera để phục vụ cho mục đích biểu diễn, ngoài ra còn có ít nhất một cantata, một oratorio và nhiều tác phẩm dành cho đàn phím. Sau khi Casimira rời khỏi Rome vào năm 1714, Scarlatti đến phục vụ cho hầu tước de Fontes, đại sứ Bồ Đào Nha tại Vatican. Tác phẩm đáng chú ý của Scarlatti trong thời gian này là bản serenade Applause genetliaco hay Stabat Mater (1715).

Sau 10 năm gắn bó với Rome, Scarlatti cảm thấy tò mò và hứng thú với thế giới bên ngoài, muốn tìm hiểm và khám phá những vùng đất mới lạ, Scarlatti lên đường tới London vào năm 1720 và công diễn tại đây vở opera Narciso của mình. Với những mối quan hệ có được từ de Fontes, từ London ông lên đường tới Lisbon. Tại đây ông được giao nhiệm vụ phụ trách âm nhạc cho nhà nguyện hoàng gia. Bên cạnh công việc sáng tác và biểu diễn các tác phẩm, Scarlatti còn phải đảm nhiệm thêm công việc dạy học cho các thành viên của hoàng gia Bồ Đào Nha. Trong số những học sinh của mình, có công chúa Maria Barbara là một cô gái tài năng và đầy nhiệt huyết. Cô thể hiện một trình độ chơi harpsichord rất điêu luyện và cô vô cùng kính trọng người thầy giáo của mình. Đây là một khoảng thời gian hạnh phúc và thành công đối với Scarlatti. Ông đã sáng tác được nhiều tác phẩm, đặc biệt là một số bản sonata dành cho đàn phím (chủ yếu là harpsichord). Trong suốt quãng thời gian ở Bồ Đào Nha, ông chỉ trở về nước Ý 3 lần, năm 1824, năm 1825 khi cha ông qua đời và năm 1828, ông kết hôn với Maria Caterina, một cô gái ở Rome. Họ có với nhau 5 người con.

Năm 1729, Barbara kết hôn với hoàng tử Ferdinand, người sau này sẽ trở thành vua Ferdinand VI của Tây Ban Nha. Scarlatti cũng theo cô chuyển tới vùng đất mới này. Ban đầu ông sống ở Seville trong 4 năm (1729-1733). Sau đó, nhận lời mời của Barbara tới phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, Scarlatti đã chuyển đến Madrid, sống ở đây cho đến khi qua đời. Chính tại vùng đất bán đảo Iberia với nền văn hoá đặc trưng này đã tạo lập cho ông một phong cách âm nhạc rất khác biệt. Trên thực tế, trong thời gian ở Ý, dưới sự ảnh hưởng của cha ông, Alessandro, vốn nổi tiếng là một người hay áp đặt và hà khắc là không hề nhẹ, âm nhạc của Scarlatti bị gò bó và hạn chế khá nhiều khi cái bóng của người cha vẫn phủ lên ông. Chỉ đến khi ra nước ngoài, đắm mình trong phong tục, thắng cảnh và âm thanh đa dạng của xứ Iberia cũng như nhận được sự khuyến khích từ Barbara và triều đình của cô, Scarlatti mới gây dựng được phong cách âm nhạc độc đáo và hấp dẫn của riêng mình.

Scarlatti sáng tác khá nhiều các tác phẩm dành cho thanh nhạc, cả tôn giáo cũng như thế tục. Nhưng phần lớn số đó là trong khoảng thời gian ông ở Ý. Khi ông sống ở nước ngoài, hầu như Scarlatti chỉ tập trung vào các sonata dành cho bàn phím, với số lượng lên đến khoảng 555 bản, và hầu hết là để cho harpsichord biểu diễn, chỉ có một số ít là của piano (nhạc cụ khá mới mẻ vào thời điểm này), organ và những nhạc cụ khác. Ngoài việc bản thân ông là một nhạc công harpsichord, có lẽ một nguyên nhân nữa lý giải tại sao ông sáng tác nhiều tác phẩm dành cho nhạc cụ này như vậy là để phục vụ cho cô học trò Barbara của mình, cũng là một nghệ sĩ biểu diễn tài năng. So sánh với âm nhạc Baroque của những nhà soạn nhạc cùng thời như Bach hay Handel, các tác phẩm sonata của Scarlatti mang đậm phong cách galant (galant là một phong cách âm nhạc đặc trưng trong giai đoạn những năm 1720-1770, đơn giản hơn thứ âm nhạc phức điệu điển hình của thời kỳ Baroque, có giai điệu gần với những bài hát, không phức tạp). Với những chất liệu đặc trưng của xứ Iberia, các bản sonata của Scarlatti có một màu sắc rất khác biệt, tương đối xa lạ với các trung tâm âm nhạc của châu Âu thời kỳ đó. Scarlatti thương sử dụng những nốt nhạc được lặp đi lặp lại một cách nhanh chóng, điều cho thấy ông chịu ảnh hưởng từ những bản nhạc dành cho guitar vốn rất thịnh hành tại Tây Ban Nha. Thay vì sử dụng phức điệu, rất phổ biến trong âm nhạc của Bach và Handel cũng như nhiều nhà soạn nhạc khác thời kỳ này, các bản sonata của Scarlatti hầu hết là những tác phẩm một chương, có dạng 2 đoạn đơn giản, mỗi phần trong đó được lặp lại ngay. Mặc dù vậy, cách sử dụng hoà âm của ông rất táo bạo, tạo nên nhiều màu sắc tương phản. Về tổng thể, Scarlatti thường có thói quen xây dựng tác phẩm làm hai phần: đầu tiên chúng chuyển từ giọng chủ sang âm át hoặc giọng trưởng hay thứ có liên quan và sau đó lại trở về giọng chủ. Nhưng ở bên trong đó còn ẩn chứa nhiều cấu trúc con khác nữa. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng về hình thức và phong cách trong các bản sonata. Là một nghệ sĩ harpsichord xuất sắc, Scarlatti đã khai thác mọi khía cạnh của nhạc cụ; các tác phẩm của ông thường phải biểu diễn trên một chiếc harpsichord 2 bàn phím. Nhưng sự sáng chói và điêu luyện về mặt kỹ thuật không làm nên sự vĩ đại cho các bản sonata của ông. Hầu hết trong số chúng đều mang trong mình những ý tưởng âm nhạc riêng biệt, không trùng lặp và mang tính nguyên bản. Chính tính cá nhân này là đặc điểm trung tâm trong âm nhạc của Scarlatti. Ông sở hữu một trí tưởng tượng vô cùng phong phú.

Niên đại thực tế cho các bản sonata của Scarlatti đến nay vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi. Những gì còn tồn tại cho đến ngày nay đều chủ yếu là các bản sao được thực hiện trong khoảng thời gian cuối đời của nhà soạn nhạc. Một số tài liệu về Scarlatti cũng như các sáng tác của ông trong thời gian này đã bị phá huỷ do trận động đất vào năm 1755. Ngoài ra, ông còn có thói quen chỉ viết ra những nốt nhạc chính và rồi ứng tấu trên đó và một thời gian sau mới hoàn thiện tác phẩm. Đương thời rất ít những tác phẩm của Scarlatti được xuất bản. Ấn phẩm hiếm hoi các sáng tác của ông, Essercizi per gravicembalo (Các bài tập cho harpsichord), được Roseingrave thực hiện tại London vào năm 1738.

Sau khi người vợ đầu tiên qua đời vào năm 1739, năm 1842 Scarlatti kết hôn với cô gái người Tây Ban Nha Anastasia Maxarti Ximenes và họ có với nhau bốn người con. Tổng cộng ông có chín người con nhưng không một ai trong số họ theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Scarlatti qua đời ngày 23/7/1757 ở tuổi 71 tại Madrid. Sáng tác cuối cùng của ông là Salve Regina, một tác phẩm thanh nhạc tôn giáo. Ngày nay, các bản sonata dành cho harpischord của ông thường được biểu diễn trên piano. Rất nhiều những nghệ sĩ piano tài danh đã tôn vinh các sáng tác của ông. Chúng đã trở về với chân giá trị của mình. Scaratti đã được công nhận là một trong những nhà soạn nhạc có tính nguyên bản và độc đáo nhất trong lịch sử âm nhạc.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram

5/5 - (1 vote)
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: