CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA FRANCESCO CILEA (1866-1950)

Giới thiệu về Francesco Cilea

Francesco Cilea là một thành viên của nhóm Giovane scuola (Trường phái trẻ), bao gồm những nhà soạn nhạc Ý trẻ tuổi (hầu hết nổi tiếng với những vở opera), là thế hệ tiếp nối Giuseppe Verdi và toả sáng trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ là Cilea, Giacomo Puccini, Pietro Mascagni, Ruggero Leoncavallo, Umberto Giordano, Alfredo Catalani, Alberto Franchetti và Lorenzo Perosi, người duy nhất không sáng tác opera và chuyên tâm vào âm nhạc tôn giáo. Cũng giống như nhiều thành viên khác trong nhóm, Francesco Cilea cũng chỉ để lại một vở opera ngày nay thường xuyên được biểu diễn. Tác phẩm Adriana Lecouvreur được công diễn ra mắt vào năm 1902 đã khiến ông trở nên nổi tiếng và đưa Cilea trở thành một tên tuổi ưu tú của trường phái opera versimo. Đó không phải là sáng tác duy nhất của Cilea nhưng chắc chắn đó là điều đầu tiên nảy ra trong tâm trí của đại bộ phận khán giả khi được hỏi về ông. Nếu có một ngoại lệ, thì đó chính là aria “Il Lamento di Federico” dành cho giọng nam cao trong vở opera L’Arlesiana được sáng tác trước đó. Xét dưới khía cạnh này, ngoại trừ Giacomo Puccini, số phận của Cilea có điểm chung với Mascagni (Cavalleria rusticana), Leoncavallo (Pagliacci), Giordano (Andrea Chénier) hay Catalani (La Wally), tất cả chỉ được hậu thế nhớ đến chỉ nhờ vào một hay hai vở opera. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ thủ pháp sáng tác, các tác phẩm Cilea có đôi chút khác biệt khi âm nhạc của ông là sự kết hợp của những giai điệu du dương truyền thống của xứ Naples với thứ âm nhạc mang âm sắc Pháp nhẹ nhàng, tinh tế mà ông chịu ảnh hưởng từ Jules Massenet.

Francesco Cilea (1866 – 1950)

Tiểu sử Francesco Cilea

Francesco Cilea sinh ngày 23/7/1866 tại thị trấn Palmi phía bắc Reggio, thuộc vùng Calabria, miền nam nước Ý, là con của ông Giuseppe và bà Felicia. Như Cilea sau này nhớ lại, sau một lần tham dự buổi biểu diễn màn cuối vở opera Norma của Vincenzo Bellini, ông đã quyết định cống hiến hết mình cho âm nhạc. Bộc lộ năng khiếu âm nhạc ngay từ khi còn nhỏ tuổi, để theo đuổi mơ ước của mình, cậu bé Francesco đã vào học tại Naples Conservatory of Music (Conservatorio San Pietro a Majella) từ năm 1879 khi mới 13 tuổi, một trong những nhạc viện nổi tiếng nhất nước Ý lúc bấy giờ. Tại đây, một trong những thầy giáo của Francesco là Beniamino Cesi, một nghệ sĩ piano khá nổi tiếng. Trong thời gian học, Francesco ngay lập tức thể hiện tài năng âm nhạc nhạy bén và sự chăm chỉ của mình. Cậu trở thành sinh viên xuất sắc nhất nhạc viện và được bộ Giáo dục trao tặng huy chương vàng vì thành tích học tập xuất sắc. Năm 1889, sau mười năm học tại nhạc viện, tác phẩm tốt nghiệp của Francesco là vở opera Gina. Tác phẩm 3 màn có bối cảnh ở Pháp được công diễn tại nhà hát của nhạc viện vào ngày 9/2/1889 ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của nhà xuất bản, ông bầu opera Edoardo Sonzogno. Sonzogno là một tên tuổi nổi bật trong giới âm nhạc Ý lúc bấy giờ. Chính ông là người đã tổ chức cuộc thi sáng tác opera một màn, được coi là sự khởi xướng ra trào lưu opera verismo. Sonzogno cũng là người đã đứng ra tổ chức biểu diễn các vở opera của Mascagni, Giordano, là bệ phóng để tên tuổi họ trở nên nổi tiếng. Được Sonzogno để mắt đến là một khởi đầu rất suôn sẻ đối với chàng sinh viên trẻ Cilea. Bên cạnh đó, Cilea cũng được nhạc viện mời ở lại giảng dạy bộ môn sáng tác và hoà thanh.

Sonzogno đã đặt hàng Cilea sáng tác vở opera 3 màn Tilda, dựa trên kịch bản của Angelo Zanardini. Sự nghiệp trở thành nhà soạn nhạc chuyên nghiệp của Cilea chính thức bắt đầu. Đây là một tác phẩm theo chủ nghĩa verismo. Tilda có buổi ra mắt thành công tại nhà hát Pagliano, Florence vào ngày 7/4/1892 và nhanh chóng được trình diễn trên khắp nước Ý cũng như từng được xuất hiện tại Vienna vào ngày 24/9/1982. Sau đó, nó còn được biểu diễn tại Moscow và trở nên khá nổi tiếng. Mặc dù vậy, bản thân Cilea tỏ ra không hài lòng với tác phẩm của mình. Ông cho biết mình buộc phải sáng tác nó chỉ để làm Sonzogno hài lòng và không muốn bỏ lỡ một cơ hội nghề nghiệp hiếm có. Tổng phổ của Tilda đã bị đốt cháy trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngày nay, tác phẩm đã được công diễn trở lại, do nhà soạn nhạc Giancosimo Russo phục dựng dựa trên phiên bản dành cho giọng hát và piano.

Vở opera thứ ba của Cilea, L’Arlesiana với kịch bản của Leopoldo Marenco, đã ra mắt tại Teatro Lirico ở Milan vào ngày 27/11/1897. Đây là tác phẩm được dựa trên vở kịch L’Arlésienne của nhà văn người Pháp nổi tiếng Alphonse Daudet. Vở kịch này, được công diễn lần đầu vào ngày 1/10/1872 có phần âm nhạc tuyệt vời được Georges Bizet sáng tác. Trên thực tế đây là một thất bại của Cilea, vở opera 4 màn này đã không được khán giả đón nhận. Điểm sáng duy nhất trong tác phẩm là aria trong màn II, như một khúc romance tuyệt đẹp, “Il Lamento di Federico: È la solita storia del pastore”, được giọng ca vàng của Enrico Caruso, lúc này vẫn còn là một chàng trai trẻ gần như vô danh thể hiện. Aria đã chứng tỏ sức sống lâu bền của mình qua thời gian, trong khi vở opera gần như đã bị quên lãng. Ngày nay, aria luôn được các giọng tenor lựa chọn biểu diễn như là một tác phẩm độc lập trên các phòng hoà nhạc khắp thế giới. Rất yêu quý tác phẩm gốc, Cilea không muốn vở opera của mình bị ngừng công diễn. Kể từ khi tác phẩm được ra mắt, ông đã nhiều lần chỉnh sửa nó cho đến tận gần những năm cuối đời. Năm 1898, vở opera được sửa đổi thành 3 màn và rồi năm 1937, ông viết thêm một đoạn giới thiệu ngắn. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, sau khi xem xét kỹ lưỡng các phiên bản, đã nhận xét rằng, có rất ít những gì tồn tại trong phiên bản gốc còn được Cilea giữ lại trong các phiên bản sau đó. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này hầu như không thành công, ngoại trừ một giai đoạn ngắn. Trong cuối thập niên 30, Hội Quốc Liên trừng phạt nước Ý vì cuộc chiến tranh Ý-Ethiopia. Để trả đũa, nhà độc tài Benito Mussolini đã ra lệnh cho các nhà hát trên toàn nước Ý chỉ được biểu diễn opera của Ý và những nước ủng hộ họ. Cilea ngậm ngùi: “Trong thời gian này tôi đã may mắn”.

Sau thất bại với L’Arlesiana, Cilea đã có màn trở lại không thể ngoạn mục hơn tại chính Teatro Lirico, Milan vào ngày 6/11/1902. Adriana Lecouvreur, tác phẩm xuất sắc nhất của Cilea, với kịch bản của Arturo Colautti, đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt cả từ phía khán giả lẫn giới phê bình. Vở opera lấy bối cảnh thế kỷ 18 tại Pháp có cốt truyện dựa trên vở kịch Adrienne Lecouvreur của Eugène Scribe và Ernest Legouvé. Adrienne Lecouvreur là một diễn viên người Pháp (1692-1730) tài năng, được coi là người xuất sắc nhất trong thế hệ của mình. Vở kịch đã miêu tả cuộc đời và cái chết bí ẩn của cô. Cilea không phải người đầu tiên đưa câu chuyện này lên sân khấu opera. Trước ông đã có 3 tác phẩm của các nhà soạn nhạc lấy cảm hứng từ chủ đề này, đó là Tommaso Benvenuti (1857), Edoardo Vera (1858) và Ettore Perosio (1889). Tuy nhiên, tất cả chúng ngày nay đều đã bị quên lãng. Dàn ca sĩ gồm có Angelica Pandolfini (Adriana Lecouvreur, giọng soprano), Edvige Ghibaudo (công nương di Bouillon, mezzo-soprano) và 2 nam ca sĩ lúc đó đã rất nổi tiếng, Cilea tái ngộ với Caruso (Maurizio) và giọng nam trung Giuseppe de Luca trong vai Michonnet. Chính Caruso cũng là người giới thiệu tác phẩm này tới khán giả Metropolitan Opera vào ngày 18/11/1907. Vở opera là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Cilea và là tác phẩm tiêu biểu cho trường phái verismo. Nó là sự hoà trộn hài hoà giữa những giai điệu du dương đặc trưng của xứ Naples (các ca khúc Neapolitan vô cùng nổi tiếng), mảnh đất gắn bó với ông trong suốt thời kỳ theo học và giảng dạy tại nhạc viện, với chủ nghĩa lãng mạn Pháp, cách phối khí cho dàn nhạc sống động hơn, liên quan trực tiếp đến nội tâm của nhân vật, một sự ảnh hưởng đến từ Massenet.

Vở opera cuối cùng của Cilea là tác phẩm bi kịch 3 màn Gloria, được nhạc trưởng danh tiếng Arturo Toscanini chỉ huy tại La Scala vào ngày15/4/1907. Kịch bản vẫn là do Colautti, người đã viết Adriana Lecouvreur, sáng tác, dựa trên vở kịch La Haine của Victorien Sardou. Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Siena, Ý nhưng La Haine lại là vở kịch của một tác giả Pháp, một bằng chứng nữa cho thấy sự ngưỡng mộ của Cilea đối với văn hoá Pháp. Các vai chính do Solomiya Krushelnytska (soprano) và Pasquale Amato (baritone) đảm nhiệm. Tuy nhiên, đây là một thất bại của Cilea. Gloria chỉ tồn tại trên sân khấu sau đúng hai buổi biểu diễn. Gloria được hồi sinh ở Rome và Genoa vào năm 1908 và một lần nữa vào năm 1909 tại Teatro di San Carlo, Naples. Nhưng vở opera không đảm bảo được chỗ đứng thường xuyên trong các tiết mục tại những nhà hát opera Ý. Đã có những nỗ lực của Cilea trong nhiều năm sau đó để sửa đổi Gloria, đặc biệt kể từ khi Pietro Ostali, một người rất hâm mộ ông thay thế Sonzogno. Với một kịch bản được Ettore Moschino sửa đổi, phiên bản thứ hai của Gloria đã được ra mắt vào ngày 23/4/1932 tại Teatro di San Carlo và được đón nhận khá nồng nhiệt. Mặc dù còn được biểu diễn nhiều lần sau tại một số nhà hát của Ý và Đức nhưng vào cuối thập niên 30, tác phẩm đã chìm vào quên lãng.

Có thể thấy, Cilea rất ngưỡng mộ nghệ thuật của Pháp. Trong số 5 vở opera được ông sáng tác, có 4 vở (ngoại trừ Tilda) là lấy bối cảnh ở Pháp hoặc cảm hứng từ một tác giả Pháp. Cilea đã thành công trong việc kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực của âm nhạc Ý với sự uyển chuyển, tinh tế, khai thác màu sắc của dàn nhạc theo phong cách Pháp. Trong Adriana Lecouvreur, một tác phẩm được coi là tiêu biểu của trường phái verismo, chất trữ tình luôn đậm đặc, với nhiều khoảnh khắc u sầu lắng đọng ngọt ngào, không gian chìm đắm trong sự trầm tư và hối tiếc. Nhưng dù chịu ảnh hưởng phần nào của âm nhạc Pháp, trong Cilea vẫn toát lên khí chất Ý bẩm sinh, mà ông mô tả là bản chất âm nhạc của mình: “Trong nghệ thuật, sự thể hiện của tinh thần, một chuẩn mực không khoan nhượng và bất biến đó, đối với tôi, luôn là đặc tính của người Ý, được tái tạo thông qua sự phát triển của các hình thức và kỹ thuật, không bao giờ bị bóp nghẹt, cũng không bị làm méo mó, như ba sáng tạo trong tưởng tượng và mơ ước lý tưởng của tôi, Arlesiana, Adriana và Gloria, đã chứng thực và biểu lộ”.

Gloria chính là vở opera cuối cùng của ông. Đã có những phác thảo của một số kịch bản, nhưng tất cả chúng đều không được Cilea thực hiện. Thay vào đó, Cilea sáng tác nhạc thính phòng, ca khúc nghệ thuật và những tác phẩm dành cho dàn nhạc. Trong đó đáng chú ý có bản thơ giao hưởng Il canto della vita dành cho tenor, hợp xướng và dàn nhạc tưởng nhớ Verdi, dựa trên thơ của Sem Benell, được biểu diễn tại Teatro Carlo Felice, Genoa vào năm 1913.

Cilea cũng là một nhân vật nổi bật trong việc giáo dục âm nhạc tại Ý. Ông bắt đầu giảng dạy từ năm 1890 cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào năm 1935. Cilea từng là giáo viên tại Istituto Reale, Florence và đảm nhiệm cương vị giám đốc các nhạc viện Vincenzo Bellini ở Palermo và ngôi trường cũ của ông Conservatorio San Pietro a Majella. Cilea luôn được tôn kính tại Naples. Trong lần xuất hiện cuối cùng của ông trước công chúng vào tháng 2/1950 trong buổi biểu diễn Adriana Lecouvreur tại Teatro di San Carlo, Cilea đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Cilea qua đời vào ngày 20/11/1950 tại thị trấn nhỏ Varazze, thuộc vùng Liguria, tây bắc nước Ý, nơi đã vinh danh Cilea làm công dân danh dự của thị trấn. Ông thọ 84 tuổi.

Cilea là một nhân vật nổi bật trong việc giáo dục âm nhạc tại Ý

Mảnh đất quê nhà Palmi, xứ Calabira luôn gắn bó với Cilea, mặc dù sự nghiệp của Cilea đã buộc ông phải sống và làm việc ở các đô thị lớn của Ý. Ông nói rõ cảm xúc của mình trong một bức thư viết cho thị trưởng của Palmi: “Ngài Thị trưởng, tôi van xin ngài chuyển lời cảm ơn và tình yêu thương sâu sắc nhất của tôi tới Palmi thân yêu của chúng ta. Hãy nói với cô ấy rằng cô ấy sẽ ở trong trái tim tôi với một mối ràng buộc sống động và bền chặt như sự tích lũy của năm tháng đã đẩy nhanh sự tách biệt của tôi với cuộc sống”. Di hài Cilea đã được an nghỉ tại quê nhà Palmi. Palmi đã vinh danh ông bằng một lăng mộ lớn ở trung tâm thành phố. Nhiều tổng phổ, bản thảo và các tài liệu khác của Cilea được lưu trữ tại La Casa della Cultura, một khu phức hợp bảo tàng và thư viện cộng đồng. Cả con đường dài dọc bán đảo Calabria từ Trieste đến Reggio Calabri cũng như nhạc viện Calabira được đặt theo tên ông. Nhiều thành phố lớn của Ý như Milan, Turin, Naples và một số nơi khác cũng có con đường mang tên Cilea. Chừng nào Adriana Lecouvreur còn được biểu diễn, tên tuổi của Cilea vẫn sẽ còn được nhớ mãi.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram

Đánh giá bài viết!
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: