CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA GABRIEL FAURE (1845-1924)

Gabriel Fauré sinh ngày 12/5/1845 tại thị trấn Pamiers miền Nam nước Pháp, là con út trong gia đình có sáu người con của Toussaint và Marie Fauré. Gabriel được nuôi nấng theo cùng một cách với những người con khác trong gia đình, tuy nhiên vì tài năng phát triển sớm mà sự nghiệp tương lai của cậu sẽ hoàn toàn khác với các anh chị em của mình. Lòng yêu thích âm nhạc của cậu đã bộc lộ rõ ràng ngay từ nhỏ khi người ta thấy cậu có thể ứng tác trên cây đàn harmonium của nhà thờ địa phương và trên đàn piano. Nhưng ban đầu cha cậu không chú ý nhiều đến sở thích mới mẻ của con mình. Âm nhạc chỉ đơn giản là một trò tiêu khiển vô hại và vì vậy cậu bé được gửi đến một trường học bình thường như những đứa trẻ khác. Cuối cùng thì một trong những giáo viên của Gabriel đã chú ý đến tài năng của cậu bé và khuyên gia đình nên gửi cậu đến trường âm nhạc tôn giáo Niedermeyer ở Paris.

Gabriel Fauré (1845 – 1924)

Khi Gabriel đến trường Niedermeyer ở tuổi lên chín, cậu chắc chắn không biết rằng mình sẽ trở thành một phần của sự phục hưng âm nhạc tôn giáo ở Pháp. Kể từ Cách mạng Pháp, âm nhạc nhà thờ đã trở nên sút kém ít nhiều so với opera và các giai điệu sân khấu phổ biến. Mục đích của trường Niedermeyer là đảo ngược xu hướng này bằng cách đào tạo những nhạc công organ và người chỉ huy hợp xướng mới theo phong cách cũ. Gabriel Fauré đã được đào tạo chính trong bầu không khí này. Trong suốt 11 năm ở trường, ông đã học các môn truyền thông như hòa âm, xướng âm và đối âm ; nhưng trọng tâm chính là học chơi organ và piano. Mặc dù trình độ biểu diễn organ kém, Fauré đã tỏ ra là một tài năng đặc biệt với cây đàn piano. Ông đã giành phần thưởng hàng đầu trong hai năm, một phần thưởng cùng với danh hiệu và vào năm 1864 ông đã có thể chơi tốt đến nỗi ông đã bị từ chối cho phép hoàn thành khóa học.

Trong những năm hình thành phong cách ấy, không có gì đáng ngạc nhiên khi giáo viên của Fauré, Louis Niedermeyer, đã trở thành người cha tinh thần của ông theo một cách nào đó vì Fauré đã sống xa cha mẹ và gia đình trong một thời gian dài. Niedermeyer tính tình dễ cáu bẳn đã quan tâm đặc biệt đến Fauré và đối xử với ông khác hẳn với các sinh viên khác. Niedermeyer biết rằng trong con người Fauré có cái gì đó rất đặc biệt. Thật đáng buồn cho Fauré khi người thầy thân yêu của ông đột ngột qua đời vào năm 1861. Tuy nhiên sự kiện này cũng tỏ ra là mang tính quyết định khi nó đem Camille Saint-Saens tới tiếp quản với vai trò giáo viên piano trung cấp. Saint-Saens hơn Fauré mười tuổi và có nhiều mục tiêu tương tự. Họ rất hợp nhau và vì vậy một tình bạn gắn bó suốt đời giữa hai người bắt đầu. Cuối cùng vào năm 1865 ở tuổi 20, Gabriel Fauré rời trường với phần thưởng hạng nhất về fugue và đối âm. Trong một vài năm tiếp theo ông đã làm nhạc công organ tại nhà thờ St. Sauveur ở Rennes. Ông thấy thị trấn này vô cùng tẻ ngắt và không có đời sống xã hội cho âm nhạc và chẳng bao lâu thì Saint-Saens tìm được cho ông môt vị trí ở Paris.

Lúc đó là vào tháng 8/1870, cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra và Fauré ghi tên vào Trung đoàn thứ nhất thuộc Bộ binh nhẹ hoàng gia với vai trò một người liên lạc. Trong suốt cuộc đời mình ông đã kết bạn nhiều và trong quân đội cũng vậy. Giữa những trận chiến đấu ông đã tổ chức các buổi biểu diễn độc tấu ngẫu hứng cho bạn bè trong khi họ đang ở trong các tòa nhà ngoại ô Paris bị chủ bỏ lại. Fauré đã tham gia vào các trận chiến ở Champigny, Le Bourget và Créteil, vì lòng dũng cảm dưới hỏa lực ở Champigny, ông đã được nhận huân chương thập giá chiến tranh.

Khi chiến tranh kết thúc, Fauré trở lại Paris và tìm được công việc làm người chơi organ thứ hai tại nhà thờ St. Suplice. Ông làm việc cùng với dàn hợp xướng khi người chơi organ chính của nhà thờ được Charles-Marie Widor trưng dụng. Thi thoảng trong các nghi lễ, cả hai người chơi song tấu organ bằng cách ứng biến các chủ đề và “tung hứng” chúng qua lại. Rồi vào lúc “tiếp đỡ”, mỗi người lại thử một vài biến đổi đáng ngạc nhiên. Mọi lúc như thế các tăng lữ và giáo đoàn hầu như không biết chuyện gì đang diễn ra.

Gabriel Fauré chiếm một vị trí đặc biệt trong trường nhạc Pháp

Đa số âm nhạc cho piano của Fauré cho đến năm 1871 là những mélodie lãng mạn. Chúng được lấy cảm hứng từ những bài thơ của Hugo, Gautier và Baudelaire mà ông đã được các giáo viên của mình giới thiệu. Những mélodie đầu tay đã thấp thoáng cho thấy chất sáng tạo đang phát triển của ông nhưng được viết theo phong cách cổ điển nghiêm ngặt mà ông đã học ở trường. Tuy nhiên đặc trưng của Fauré là liên tục đổi mới mình trong sáng tác. Ông luôn muốn thử cái gì đó mới mẻ, cái gì đó khác biệt mà không ai từng làm, ông không bao giờ đi theo các mốt thời mình, thay vào đó ông thích đi theo tiếng gọi trái tim mình hơn. Vì thế những mélodie của ông thể hiện một sự tiến triển riêng, độc nhất và liên tục. Trong những mélodie về sau của mình, Fauré tiếp nhận thi ca và hiểu được ý nghĩa đằng sau những ngôn từ. Những mélodie như ‘Les Berceaux’ và ‘Le Secret’ đã truyền đạt được cảm xúc mà nhà thơ cố gắng gửi gắm nhưng không thể trọn vẹn nếu chỉ thông qua ngôn từ. Ý nghĩa thực sự của bài thơ vì thế đã được khám phá trong âm nhạc của Fauré.

Một phần không thể thiếu trong sự tiến triển về mặt âm nhạc của Fauré xuất phát từ mối quan hệ của ông với những người bạn mà ông chịu ảnh hưởng, những nhân vật danh tiếng và các salon tư sản Paris. Bạn bè ông đã giúp ông xuất bản âm nhạc, khuyến khích ông viết và giới thiệu cho ông những bài thơ hay để ông sử dụng. Trong thời kỳ đầu tiên của sự nghiệp, các salon hầu như là nơi duy nhất để ông và những người khác nghe những tác phẩm thính phòng và mélodie của ông. Những lần thường xuyên tới salon của Pauline Viardot (1821-1910, ca sĩ giọng mezzo-soprano và nhà soạn nhạc Pháp) cũng đem lại cho Fauré sự khích lệ hơn nữa đối với các tác phẩm của mình. Pauline là một người bạn lớn và một nhà cố vấn. Bà đã gợi ý ông rằng cách tốt nhất để trở nên nổi tiếng là viết một vở opera. Fauré đồng ý nhưng nhiều nỗ lực tìm kiếm một libretto chất lượng của ông đã không thành công. Phải hai mươi năm sau ý tưởng này mới trở thành hiện thực. Vào năm 1877 vị trí người chỉ huy hợp xướng tại nhà thờ Madeleine bị bỏ trống. Với ảnh hưởng của Saint-Saens và Gounod, Fauré đã được bổ nhiệm và làm việc tại đây trong gần hai mươi năm (1788-1896). Mặc dù nhà thờ này là một trong những nhà thờ quan trọng nhất của Paris sau Notre Dame và đã tạo cho Fauré một uy tín nào đó nhưng thực tế thì lại có nhiều trở ngại. Trước hết, Fauré phải có trách nhiệm tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc tại nhà thờ. Cùng với các tăng lữ ông lựa chọn tác phẩm sẽ chơi, rồi diễn tập với dàn hợp xướng và đội nhạc công đệm theo. Vì thời đó nữ giới không được phép biểu diễn trong nhà thờ nên các phần cho giọng soprano và alto được khoảng 20 cậu bé không được vừa ý lắm đảm nhiệm (những cậu bé mà Fauré liệt vào loại “những chú ngỗng”). Trong những dịp đặc biệt, đội nhạc đệm có quy mô lên tới gần bằng một dàn nhạc và khiến ông càng thêm lo lắng.

Nhà thờ Madeleine là một chốn cho những người giàu có và nổi tiếng khoe mẽ nhiều hơn là một nhà thờ đúng nghĩa. Sau lễ Missa các ngày chủ nhật, đám đông ngưỡng mộ thường đợi ở ngoài để xem các bộ thời trang mới nhất. Nhà thờ cũng quan trọng đối với những nhà quý tộc cần nó cho các tang lễ nhà nước và các buổi tiếp đón các vị lãnh đạo. Các nhà quý tộc cũng cung cấp cho nhà thờ các khoản tài trợ lớn để hoạt động. Vì tất cả những lý do này, Fauré có cái nhìn hơi chua chát về tín ngưỡng có tổ chức nhưng ông vẫn là một tín đồ công giáo trong suốt cuộc đời.

Bên cạnh phiền toái với đội hợp xướng các cậu bé, Fauré thường bất đồng với giới tăng lữ về thể loại âm nhạc sẽ được chơi. Giới tăng lữ chỉ quan tâm đến việc giữ cho giáo đoàn được vui vẻ và vì vậy âm nhạc ưu tiên của họ là cho đại chúng, âm nhạc nhà thờ theo phong cách opera mà đã trở thành mốt thịnh hành, hơn là khai sáng âm nhạc tôn giáo. Trong một bầu không khí khiến thui chột như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi lúc ấy Fauré không bao giờ được phép giới thiệu một cái gì đó mới mẻ sẽ có thể làm đảo lộn thói quen đã được xác lập và khi ông thử làm vậy ông thường bị bị rơi vào rắc rối.

Công việc tại nhà thờ Madeleine cũng không được trả lương tốt. 3000 franc một năm là mức lương bằng với một cha phó và số tiền ông nhận được từ các sáng tác của mình là một khoản rẻ mạt. Vì vậy để nuôi thân, Fauré dùng nhiều thời gian đi khắp Paris để dạy piano và hòa âm. Thời gian mà lẽ ra sẽ tốt hơn khi được dùng vào việc sáng tác nếu như ông có phương tiện. Với công việc ổn định tại nhà thờ Madeleine, giờ đây ông đã có thể nghĩ tới hôn nhân và xây dựng một cuộc sống gia đình. Ông không khó tìm được những người bạn tiểu thư vì ông rất được ngưỡng mộ và hấp dẫn. Với mái tóc đen dày bắt đầu muối tiêu ở tuổi tứ tuần, một nước da màu ôliu và bộ ria đặc trưng, ông có sức lôi cuốn lớn đối với các tiểu thư. Thêm vào đó, Fauré hầu như luôn có một vẻ mơ màng trong đôi mắt xuất phát từ thói quen mơ mộng và bản tính nội tâm của ông ; tất cả những cái đó đã thêm một vẻ huyền bí cho người đàn ông Pháp lặng lẽ này. Fauré thậm chí còn được bạn bè đặt biệt danh là “Chú Mèo”, họ nghĩ rằng ông có những phẩm chất như loài mèo trong cái cách ông hững hờ chuyển động và ấn tượng mà ông thể hiện. Giác quan tinh tế bẩm sinh và vẻ duyên dáng của Fauré cũng đem lại cho ông nhiều người bạn trong suốt cuộc đời. (Một vẻ duyên dáng cũng có thể thấy trong âm nhạc của ông.)

Nhưng trong tâm trí Fauré chưa có một tiểu thư đặc biệt nào. Trong một vài năm ông là khách thường xuyên của gia đình Viardot và đặc biệt là trong bốn năm, ông đã đem lòng yêu cô con gái Marianne của Pauline Viardot. Chính vào năm 1877 Fauré đã ngỏ lời cầu hôn với Marianne và mặc dù cô nhận thấy ông vừa có tài vừa ưa nhìn nhưng cô không thể quyết định được. Tình trạng không chắc chắn này kéo dài đến vài tháng cho đến khi một vài người bạn chung của hai người cuối cùng đã buộc cô đến giữa tháng bẩy phải quyết định rõ ràng. Tình yêu của Fauré đối với Marianne đã làm thay đổi bản tính của ông. Người bạn Romain Bussine của ông đã nhận xét trong một bức thư : “Ông vốn thường lầm lì ít nói nhưng giờ đây ông trở thành người có tinh thần hướng ngoại, thích nói chuyện phiếm, thích chạy nhảy xung quanh – tính hòa nhã và vẻ dễ mến dễ dàng tỏa ta từ gương mặt ông.” Một vài tuần rồi một vài tháng trôi qua, Fauré ngày càng mất kiên nhẫn để chờ câu trả lời. Vấn đề càng trở nên tồi tệ khi cả hai người đều bị ốm. Fauré được gửi đi Pyrenees để điều trị bệnh khản giọng còn Marianne thì tới bờ biển Normandy. Cuối cùng Marianne cũng đồng ý kết hôn với ông và ngày cưới được dự định vào cuối tháng chín. Nhưng khi trở lại Paris, cô đã hoãn lại ngày cưới. Sự trì hoãn liên tục này vượt quá mức Fauré có thể kiểm soát được và ông đã phàn nàn quyết liệt. Marianne đã dùng cơn giận bột phát trong tuyệt vọng của ông để làm cớ hủy bỏ quan hệ đính hôn của họ mãi mãi. Fauré bị suy sụp. Ông cảm thấy tồi tệ vì nghĩ đó là lỗi của mình. Ông quay sang những người bạn tốt của mình như Romain Bussine, André Messager và Saint-Saëns để kiếm tìm sự ủng hộ nhưng phải mất nhiều năm ông mới hồi phục. Thường thì Fauré không bao giờ lẫn lộn giữa cảm xúc cá nhân và âm nhạc của mình nhưng lần này không có mấy nghi ngờ rằng ông đã truyền đạt những tình cảm của bản thân trong những mélodie như ‘Après un rêve,’ ‘Automne,’ ‘Les Berceaux,’ và ‘Le Voyageur’ ; tất cả đều được viết ở điệu thứ và đầy những cảm xúc u sầu. Bản Elégie cho cello và piano cũng được viết trong giai đoạn này. Nó được bắt đầu như một hành khúc tang lễ.

Nhưng “sự u sầu” không kéo dài mãi. Fauré không có ý định sống độc thân suốt đời và vì vậy người bạn Marguerite Baugnies của ông đã gợi ý một cuộc hôn nhân được thu xếp. Việc thu xếp hôn nhân là một cái gì đó thuộc về sở thích của bà Baugnies và không phải là hiếm thấy ở thời kỳ này trong lịch sử. Vào năm 1894 bà đã sắp đặt việc đính hôn giữa Claude Debussy và Thérèse Roger và nhiều người bạn đã tìm kiếm những lời khuyên của bà trong những vấn đề tương tự. Vậy là gần đến ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình, Fauré đã mong muốn kết hôn. Theo tập quán, người ta cho rằng nam giới đến tuổi trung niên cần từ bỏ cuộc sống độc thân. Bà Baugnies đã tìm được ba tiểu thư trẻ phù hợp thuộc giới nghệ sĩ. Hai cô con gái của hai nhà văn Octave Feuillet và George Feydeau, con gái của nhà điêu khắc nổi tiếng thời ấy là Emmanuel Fremiet. Không thể quyết định được, Fauré đã vội vã viết tên các cô lên các mảnh giấy, xáo trộn chúng trong một chiếc mũ và ngẫu nhiên chọn được Marie Fremiet, con gái của nhà điêu khắc. Sau một thời gian đính hôn ngắn ngủi, đám cưới đã diễn ra vào ngày 27/3/1883 ở Paris. Con trai đầu lòng của họ, Emmanuel, ra đời vào ngày 29/12/1883 và cậu con trai thứ hai, Philippe, chào đời vào ngày 28/7/1889.

Chẳng bao lâu Fauré đã nhận ra cuộc hôn nhân của mình là một nỗi thất vọng. Marie thiếu nhan sắc, trí thông minh và không thích kiểu đời sống xã hội mà ông đang phát triển. Cô hầu như luôn từ chối đi cùng ông tới các buổi biểu diễn opera và hòa nhạc cũng như thường xuyên “quên” là ủi chỉ để ngăn cản ông đi ra ngoài buổi tối. Dần dần một bức tường im lặng mọc lên giữa họ và họ ngày càng ít gặp nhau. Sau bước ngoặt thế kỉ, họ liên lạc với nhau thông qua thư từ thậm chí ngay cả khi họ đều ở Paris. Không có một chút tham vọng nào của riêng mình, Marie đã dồn hết cho công việc nuôi dạy hai cậu con trai. Cô có một niềm tin thái quá vào những thói quen vệ sinh mà hậu quả là các cậu bé không có sức đề kháng nếu bị nhiễm phải bất cứ thứ gì. Cô thậm chí còn từ chối không cho chúng đến trường vì sợ rằng chúng có thể chộp được vật gì đấy và cô dạy dỗ chúng tại nhà. Philippe hóa ra lại dễ bị ốm hơn cậu em mình và từ năm 1890 đến 1900, hết cơn bệnh này lại đến cơn bệnh khác xảy ra. Việc chăm sóc y tế gần như liên tục này đã tiêu tốn tiền bạc cũng như sức khỏe của chính Fauré. Rất may là Philippe và Emmanuel đã sống được qua thời thơ ấu và về sau tự bản thân họ có một cuộc sống hữu ích. Emmanuel quan tâm đến khoa học và trở thành một nhà sinh vật học danh tiếng quốc tế. Philippe, quan tâm đến văn học và triết học, trở thành một nhà viết kịch và viết tiểu sử cha và ông mình.

Phần lớn âm nhạc tôn giáo của Fauré được viết cho những nghi lễ tổ chức ở nhà thờ Madeleine, tuy nhiên cũng có một số được ông sáng tác trong thời gian ở trường Niedermeyer mà đáng chú ý nhất là Cantique de Jean Racine. Tác phẩm hợp xướng này, được viết năm 1865 và đề tặng César Franck, có giọng điệu tương tự với Requiem nhưng thậm chí còn du dương hơn. Fauré đã giành giải thưởng thứ nhất về sáng tác với tác phẩm này mặc dù nó không hoàn toàn tuân theo những quy tắc. Bên cạnh nhiều motet và mass được viết cho những nghi thức tế lễ, không nghi ngờ gì rằng tác phẩm hợp xướng nổi tiếng nhất của Gabriel Fauré là Messe de Requiem. Được viết giữa những năm 1887 và 1890, bản Requiem này không phải được viết nhân cái chết của cha ông nhưng là một thử nghiệm khác của Fauré trong việc tìm tòi không ngưng nghỉ những cái mới mẻ và khác biệt. Ngay cả thế đi chăng nữa thì bản Requiem cũng thực sự truyền đạt những cảm xúc và thái độ của bản thân tác giả về cái chết. Ông đã nói vào năm 1902 rằng : “Đó là cách tôi nhìn về cái chết : như một sự giải thoát vui vẻ, một khát vọng hướng tới hạnh phúc bên kia nấm mồ, hơn là một trải nghiệm đau đớn.” Khi ai đó nghe bản Requiem, họ hầu như có thể mường tượng thấy niềm tin của Fauré vào ” một niềm hạnh phúc bên kia nấm mồ”. Đầu năm 1888, bản Requiem được biểu diễn tại nhà thờ Madeleine trong một đám tang của một kiến trúc sư Pháp nổi tiếng, nhưng tại thời điểm đó tác phẩm chưa được hoàn thành. Ngay khi nghi lễ kết thúc, vị cha sứ đã gọi Fauré vào phòng để đồ thời và chất vấn ông : “Bản Mass cho cái chết mà ngài vừa chỉ huy là cái thứ gì vậy?” “Đấy là bản Requiem do chính tôi sáng tác.” “Thưa ngài Fauré, chúng ta không cần mọi cái mới lạ ; danh mục biểu diễn của nhà thờ Madeleine đã đủ phong phú rồi, hãy biết tự vừa lòng với danh mục đó.” Mặc dù sự khởi đầu này dễ làm nản lòng nhưng bản Requiem của Fauré đã trở nên phổ biến lúc ông sinh thời và được chơi khắp châu Âu. Ngày nay nó vẫn còn rất phổ biến và được ghi âm nhiều nhất trong số các tác phẩm khác của ông.

Sáng tác của Fauré trong các lĩnh vực sân khấu, opera và âm nhạc cho dàn nhạc có lẽ ít được biết đến hơn. Trong nhiều năm ông đã muốn viết một vở opera nhưng không thể tìm được một libretto yêu thích.Tuy nhiên trong những năm 1890 ông đã tìm thấy một con đường khác đến với sân khấu bằng cách viết âm nhạc cho kịch. Âm nhạc cho các vở ShylockPelléas et Mélisande và Promethée đều là những thành công lớn ở Pháp thời ấy; và ngoại trừ một số ít tiểu phẩm được trích ra từ những tác phẩm ấy (nổi tiếng nhất là “Sicilienne” từ Pelléas et Mélisande) ngày nay chúng đã bị lãng quên. Vào năm 1907, cuối cùng Fauré đã tìm được một libretto khiến ông thích thú và nó đã trở thành vở opera Pénélope. Vào thời điểm sáng tác (1907-1912), Fauré đang làm việc lại Nhạc viện Paris nên ông chỉ có thời gian rảnh rỗi để sáng tác trong các tháng hè. Giống như các tác phẩm sân khấu khác của ông, Pénélope cũng không nổi tiếng.

Gabriel Fauré cũng viết một vài tác phẩm khác cho dàn nhạc trong đó có Violin Concerto (1878) và hai giao hưởng (1874 và 1884). Vào cuối đời, Fauré đã hủy đi hầu hết các tác phẩm này vì ông cảm thấy chúng không đạt tới tiêu chuẩn chất lượng cao của chính ông. Tuy nhiên ngày nay chúng ta có thể nghe được một số phần của những tác phẩm này vì ông đã sử dụng một số giai điệu của những tác phẩm kể trên trong những tiểu phẩm cho piano và nhạc thính phòng của mình. Chẳng hạn như bản Cello Sonata thứ nhất được mở đầu bằng phần allegro vốn thuộc Giao hưởng giọng Rê thứ năm 1884. Đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ.

Không nghi ngờ gì rằng nhạc cụ yêu thích của Fauré là piano. Ông sử dụng nó trong mọi tác phẩm thính phòng, mọi mélodie và tất cả các tác phẩm khác ông đã viết thường bắt đầu như một phiên bản cho piano. Sức diễn cảm âm nhạc của ông xuất phát từ sự thành thạo với đàn piano và việc ông thuận tay trái đã giải thích nguyên nhân tại sao các chủ đề và mélodie của ông dễ dàng chuyển từ tay nọ sang tay kia. Fauré cũng thích dùng các phím trung tâm âm vang của đàn phím thường xuyên nhất nhưng có thể dùng các quãng tám cao nhất và thấp nhất nếu cần thiết. Ở trường, Fauré đã được học rằng cái độc đáo của tư tưởng và sự mãnh liệt trong cách thể hiện quan trọng hơn là kỹ thuật bậc thầy. Ông cũng tin vào việc tuân theo bản thảo một cách chính xác, việc giữ thời lượng một cách nghiêm ngặt. Fauré có một nỗi khiếp sợ đối với những hiệu quả đặc biệt kiểu như rubato (linh hoạt về tốc độ), thế nhưng khi ta nghe các nocturne hay predule của ông lại có một cảm giác thay đổi về tốc độ. Fauré đã viết một số lượng đáng kể âm nhạc cho piano trong suốt cuộc đời. Trong số đó có 13 nocturne, 9 prelude, 1 ballad, 1 chủ đề và biến tấu, các impromptu, các barcarolle và valse-caprise. Tác phẩm quan trọng Tổ khúc “Dolly” có một câu chuyện lý thú đằng sau nó.

Trong những ngày gia đình Fauré nghỉ ngơi tại ngôi nhà mùa hè của ông bố vợ Fremiet trong những năm 1890. Fauré có một mối tình say đắm với Emma Bardac, một người hàng xóm của gia đình Fremiet. Emma đã kết hôn với một chủ nhà băng nhưng có một cuộc sống rất độc lập. Cô thanh lịch, dí dỏm và có thể đọc bản nhạc và hát rất tốt bằng chất giọng soprano tuyệt đẹp của mình. Cô có mọi thứ mà vợ Fauré không có. Vào tháng 6/1892, Emma sinh một cô con gái tên là Hélène nhưng có biệt danh là “Dolly” vì người cô bé rất mảnh khảnh. Có tin đồn thổi rằng cô bé là con của Fauré nhưng vì mối quan hệ của họ chỉ bắt đầu vào mùa hè năm 1892 nên điều này là không thể. Bản Tổ khúc Dolly có 6 chương (1 Berceuse ;2 Mi-a-ou ; 3 Le Jardin de Dolly ; 4 Kitty-Valse ; 5 Tendresse ; 6 Le Pas Espagnol ). ‘Mi-a-ou’ được viết cho sinh nhật của Dolly và tên thật sự của nó do Fauré đặt là ‘Messieu-Aoul!’ Cái tên này ám chỉ những cố gắng gọi tên bố mình của bé Dolly : Monsieur Raoul. ‘Le Jardin de Dolly’ được giới thiệu nhân dịp ngày đầu năm mới 1895. ‘Kitty-Valse’ được giới thiệu nhân sinh nhật lần thứ tư của Dolly và ám chỉ con chó nhỏ của cô bé tên là Ketty. Tiểu phẩm cuối cùng, ‘Le Pas Espagnol’ , được lấy cảm hứng từ một bức tượng đồng, tác phẩm của bố vợ của Fauré mà Dolly yêu thích.

Hơn một thập niên tiếp theo, mối quan hệ giữa Emma Bardac và Gabriel Fauré đã phai nhạt và họ chia tay. Về sau chồng của Emma đã li dị cô và cô có thể kết hôn với tình yêu cuối cùng của đời mình, Claude Debussy.

Tài năng và kĩ năng thực sự của Fauré có thể thấy trong các sáng tác thính phòng của ông. Giống như các mélodie, các tác phẩm thính phòng mà ông phác thảo trong suốt chiều dài cuộc đời mình thể hiện quá trình đổi mới liên tục.Và giống như mọi tác phẩm ông đã viết, ông tiếp tục ngờ vực về giá trị tác phẩm của mình (nhưng không đến mức cực đoan như Henri Duparc, một người quen của ông). Trong thời kỳ đầu, sự thành công và nổi tiếng của âm nhạc của ông chỉ ở trong phạm vi nhỏ hẹp những người thường đến các salon. Nhưng vào năm 1871, Fauré, Camille Saint-Saëns và một vài người khác đã thành lập Hội âm nhạc quốc gia (Société Nationale de Musique) với mục đích trợ giúp những nhà soạn nhạc trẻ đang chật vật bằng việc biểu diễn các tác phẩm không được biểu diễn trong giới âm nhạc đang chiếm ưu thế và bằng cách đưa ra những lời khuyên và ủng hộ cần thiết. Phần lớn âm nhạc của Fauré được công diễn lần đầu tại các buổi tụ họp của hội nơi mà thành công hay thất bại của một tác phẩm sẽ mang tính quyết định.

Các tác phẩm thính phòng của Fauré bao gồm 2 violin sonata, 2 cello sonata, 2 piano quintet, 2 piano quartet, 1 trio cho piano, violin và cello, cùng một số tác phẩm và chuyển soạn mélodie khác (chẳng hạn như ‘Sicilienne’ cho flute và piano, hay ‘Après un rêve’ cho cello và piano).

Phong cách âm nhạc thính phòng thời kỳ đầu của Fauré có xu hướng phản ánh thời đại mà nó được viết : hoa mĩ, lãng mạn nhưng theo lối cổ điển mà Fauré đã học ở trường. Thời kỳ về sau thành thạo hơn (1906-1924) thể hiện những chặng cuối cùng trong tiến trình âm nhạc của ông. Âm nhạc của ông được đơn giản hóa tới các yếu tố quan trọng nhất và định hình hơn. Có những nghịch âm trong nhạc của ông nhưng không nhiều bằng thế hệ các nhà soạn nhạc trẻ hơn. Thậm chí với sự phát triển tự do của âm nhạc thế kỉ 20, Fauré đã tách ra khỏi xu hướng từ bỏ điệu thức và những quy tắc nói chung (mặc dù ông đã đến rất gần) ; điều này có thể là vì ý thức bẩm sinh về chủ nghĩa cổ điển và sự tinh tế của ông.

Hai thập niên cuối trong cuộc đời Fauré được đánh dấu bằng sự gia tăng danh tiếng đều đặn, sự gia tăng những vấn đề sức khỏe và tình yêu mới của ông. Sau khi phục vụ với vai trò người chỉ huy hợp xướng trong 9 năm, ông trở thành người chơi organ chính tại nhà thờ Madeleine vào năm 1896. Cũng trong năm đó ông trở thành giáo sư dạy sáng tác tại Nhạc viện Paris. Lớp học của ông có các sinh viên như Ravel, Koechlin, Roger-Ducasse, Florent Schmitt, Georges Enescu và Nadia Boulanger.

Năm 1905 ông từ bỏ công việc tại nhà thờ Madeleine để bắt đầu làm giám đốc Nhạc viện Paris, vị trí uy tín nhất trong giới nhạc nước Pháp. Là một giám đốc, ông đã tiến hành một số thay đổi, tất cả nhằm mục đích cải thiện thể chế và tạo cho sinh viên một sự hiểu biết vững chắc về âm nhạc. Ông đã mở ra nhiều lớp hơn, thay đổi triệt để các cuộc thi đầu vào để giảm bớt các lớp opera chất lượng kém (nhưng phổ biến) và làm thức tỉnh một cách cơ bản người phụ trách cũ đã kiểm soát thể chế.

Vào năm 1902 ở tuổi 57, Fauré bắt đầu chú ý đến các vấn đề về thính giác. Thậm chí trước năm 1902 ông đã bị mắc chứng hoa mắt và đau nửa đầu một phần do làm việc quá sức. Cùng với việc thính giác bị suy giảm dần dần, cũng có sự thay đổi trong cách ông nghe âm thanh. Ông có thể nghe thấy quãng âm tầm trung một cách lờ mờ nhưng theo giai điệu, trong khi âm trầm và cao trở thành một mớ rời rạc. Khi điều này tồi tệ thêm, ông không còn có thể sử dụng đàn piano để thử các tác phẩm của mình và việc tới các buổi biểu diễn thực sự trở thành trải nghiệm đau đớn đối với ông. Những tác phẩm cuối cùng của ông vì vậy được viết hầu như hoàn toàn không có sự trợ giúp của đàn piano. Ông không thể nghe bất cứ buổi biểu diễn nào ngoại trừ tác phẩm ông có thể hình dung trong đầu.

Vào năm 1900 tại buổi biểu diễn lần đầu vở kịch Promethée mà ông viết nhạc bổ trợ, ông đã gặp và đem lòng yêu Marguerite Hasselmans. Cô sinh năm 1876 và ngay cả khi Fauré bằng tuổi với cha cô nhưng họ đã ở cùng nhau cho đến khi ông qua đời vào năm 1924. Họ gặp nhau ở mọi nơi và giữa họ không có bí mật nào. Việc người ta có thể cho đó là một cuộc hôn nhân thứ hai bất chấp đạo đức xã hội thời đấy đã ngăn cấm ông li dị với vợ mình.

Trong những năm cuối đời, những vấn đề về thính giác và sức khỏe gia tăng khiến ông hầu như không thể hoạt động nghề nghiệp tại Nhạc viện một cách thỏa đáng, một công việc đòi hỏi ông làm giám khảo trong các cuộc biểu diễn. Theo một cách nào đó, tình trạng thính giác của ông vẫn là một bí mật chỉ ít người biết cho đến tận khi ông về hưu năm 1920. Sau một vài năm đau ốm mà trong thời kỳ đó ông đã sáng tác bản Piano Trio (1922) trong sáng và xuất sắc, bản String Quartet (1924) – tác phẩm cuối cùng của ông, Fauré đã qua đời một cách lặng lẽ vào ngày 4/11/1924 vì bệnh phổi, thọ 79 tuổi. Một đám tang nhà nước được cử hành tại nhà thờ Madeleine và bản Requiem của ông đã được chơi. Ông yên nghỉ tại nghĩa trang Passy, ở đó có lẽ ông đã tìm được sự thanh thản sâu sắc mà ông đã truyền đạt rất thành công trong thứ âm nhạc thanh tao và bất tận của mình.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram

Đánh giá bài viết!
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: