Hector Berlioz là một hiện tượng vô cùng đặc biệt trong lịch sử âm nhạc. Được xem là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất nhưng Berlioz lại không biết chơi piano. Thật khó kiếm được người tương tự như ông. Tôn thờ Gluck, Beethoven và Shakespeare, Berlioz có một vai trò cực kì quan trọng trong tiến trình phát triển của nhạc cổ điển. Trung thành tuyệt đối với các tác phẩm âm nhạc có tiêu đề, Berlioz là cây cầu nối giữa các tác giả thuộc trường phái cổ điển Vienna với các nhạc sĩ sau này, đặc biệt là Liszt. Là người kế thừa quan niệm sáng tác opera “âm nhạc vị thi ca” của Gluck, Berlioz có những đóng góp đáng kể vào việc cải tổ opera. Bản Symphonie fantastique (Giao hưởng Ảo tưởng), tác phẩm xuất sắc nhất của ông, luôn được coi là một kiệt tác. Bên cạnh đó sự cách tân của ông về việc cải tổ quy mô dàn nhạc và dàn hợp xướng đã tạo thành hình mẫu cho nhiều nhạc sĩ khác noi theo.
Hector Berlioz sinh tại La Côte Saint André (Isère) vào ngày 11 tháng 12 năm 1803 trong một gia đình trung lưu thành đạt. Cha ông, một bác sĩ muốn ông theo học ngành y nhưng ông có vẻ không hứng thú với dự định này.
Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông tại Grenoble, Berlioz chuyển đến Paris khi 18 tuổi, bề ngoài là để theo học đại học nhưng y khoa không quyến rũ cậu sinh viên trẻ bằng việc tới các buổi biểu diễn nhạc kịch của Gluck và Spontini và việc nghiên cứu tổng phổ các vở opera này tại thư viện Nhạc viện Paris. Đến năm 1822, ông quyết định bỏ trường y và theo học nhạc với Jean-Francois Lesueur với quyết tâm trở thành nhà phê bình âm nhạc. Ông theo học nhạc rất chăm chỉ dù ông luôn coi mình chỉ một là một nhạc sĩ bán chuyên nghiệp.
Các sáng tác đầu tiên của Berlioz ra đời vào năm 1825. Một bản Mass mà ông tự bỏ phí tổn để biểu diễn tại Nhà thờ thánh Rocco đã khiến giới phê bình khá hài lòng. Tiếp theo đó là vở opera Lénor ou Les Francs Juges (Lénor hay Những thẩm phán tự do) mà ngày nay chúng ta chỉ có phần overture và một tiểu phẩm khác được đưa vào bản Symphonie fantastique sau này.
Ông tham gia cuộc thi Prix de Rome lần đầu tiên vào năm 1826 nhưng không lọt vào vòng chung kết. Trở lại Paris, ông theo học sáng tác với Lesueur và phức điệu với Reicha tại Nhạc viện. Ông lại tham gia cuộc thi Prix de Rome vào năm 1827, lần này ông lọt vào vòng cuối cùng với bản cantata La mort d’Orphée (Cái chết của Orphée).Với bản tính bốc đồng, bất chợt Berlioz nhận ra mình có một tình yêu mãnh liệt với văn học Anh sau khi xem một vở kịch của Shakespeare tại Nhà hát Odéon, Paris vào năm 1827. Buổi biểu diễn vở kịch Hamlet khi đó là một sự kiện xã hội tại Paris và khiến cho Shakespeare trở thành thần tượng của Berlioz bất chấp sự hăng hái này một phần là kết quả của sự say đắm của ông dành cho diễn viên chính Harriet Smithson, người sau này sẽ trở thành vợ ông vào năm 1833.
Cuối cùng vào năm 1830 ông cũng giành được giải Prix de Rome sau 5 lần thử sức và giải thưởng này đem lại cho ông một số tiền lớn, một suất học 2 năm tại Rome (với nghĩa vụ ít nhất phải sáng tác được 2 tác phẩm lớn), những người bạn mới quan trọng và trên hết là được chính thức công nhận là một nhạc sĩ đã trưởng thành.
Sau đó Berlioz đã thực sự trở nên nổi tiếng bất luận thế nào nhờ buổi công diễn ra mắt bản Symphonie fantastique tại Nhạc viện Paris vào ngày 5 tháng 12 năm 1830 đã được khán giả đón nhận rất nhiệt tình. Bản giao hưởng này được Berlioz bắt đầu viết vào năm 1829, sau khi Harriet Smithson lại một lần nữa từ chối tình yêu có ảnh hưởng lớn đến Berlioz trong phần đời còn lại. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nó mang tính tiểu sử rất cao, rất giống kiểu tiểu phẩm “chương trình” lấy cảm hứng từ văn học mà Berlioz đã học từ người thầy đầu tiên của mình.
Cộng với lần đầu thưởng thức kịch Shakespeare, một tác phẩm văn học khác đã trở thành que diêm đốt cháy ngọn lửa nhiệt tình sáng tác của Berlioz. Đó là Faust của Goethe với bản dịch Pháp ngữ của Gérard de Nerval. Ông mất hai năm 1828 và 1829 để chuyển một số phần của nó sang âm nhạc và kết quả là ra đời tác phẩm Huit scénes de Faust (Tám cảnh từ Faust) dành cho ca sĩ lĩnh xướng, hợp xướng và dàn nhạc. Có thể là thành công trong buổi ra mắt tại Nhạc viện Paris đã giúp ông chiến thắng tại Prix de Rome một năm sau đó.
Bắt buộc phải sống tại Rome theo yêu cầu của giải thưởng mà ông nhận được vào năm 1830, Berlioz sớm nhận ra rằng cuộc sống tại Rome không thích hợp với mình. Qủa thực, ông ghét cay ghét đắng đến mức ông luôn trông chờ ngày mình được trở về Paris nơi ông nhận ra rằng mình có những cảm xúc mới mẻ với nghệ sĩ piano Marie Moke. Giấc mơ bị tan vỡ khi cô bỏ Berlioz để cưới Camille Pleyel, ông chủ một cơ sở sản xuất đàn piano giàu có. Vì vậy ông lại lao vào sáng tác một cách điên cuồng như ông vốn làm khi bị lâm vào những trường hợp tương tự. Bỏ qua mọi cảm xúc của việc báo thù, ông hoàn thành vở Lélio ou Le rétour à la vie (Lélio hay Trở lại với cuộc đời) vào năm 1831. Theo nhiều cách, nó là là một sự tiếp tục của Symphonie fantastique và trên thực tế, cả hai tác phẩm đã được cùng biểu diễn trong một chương trình hoà nhạc tại Paris một năm sau đó.
Cuộc sống tại Ý đã bình ổn hơn trước một chút, Berlioz lao vào khám phá nghệ thuật Rome cổ đại và Phục hưng đặc biệt là kiến trúc và điêu khắc nhưng không hề để ý đến opera Ý. Chúng ta biết được rằng ông vẫn coi thường các loại hình nghệ thuật mà các nhạc sĩ khác đương thời thường yêu thích và khâm phục.
Ông gặp lại Harriet khi trở về Paris và dù cô không còn trẻ đẹp và là diễn viên nổi tiếng mà ông đã từng say đắm như trước kia, ông vẫn quyết định cưới cô. Một năm sau tình hình tài chính khó khăn đã khiến ông phải sử dụng tích cực hơn nữa khả năng phê bình âm nhạc của mình, mà ông đã đạt được một vài thành công trước đó nhờ một bút pháp trôi chảy và hóm hỉnh. Ông viết cho tờ Journal des débats cho đến năm 1864 dù không bao giờ mất đi thiên hướng nhạc sĩ và vẫn tiếp tục sáng tác.
Năm 1834, Berlioz hoàn thành giao hưởng Harold en Italie (Harold ở Ý), trong đó bè viola độc tấu đặc biệt được dành riêng cho Paganini dù trên thực tế Paganini chưa bao giờ chơi tác phẩm này. Ba năm sau, năm 1837, tác phẩm Grande Messe des morts (thường được biết đến dưới tên Requiem) được viết cho dàn nhạc và dàn hợp xướng lớn khác thường ra đời. Các kỷ niệm của ông về thời gian ở Rome được thể hiện trong vở opera Benvenuto Cellini viết vào năm 1838 đã không được cả công chúng và giới phê bình khen ngợi và đó là điều tồi tệ nhất đối Berlioz với tư cách là một nhạc sĩ. Từ đó các cánh cửa các nhà hát opera đóng chặt đối với ông. Ông vẫn muốn được tiếp tục sáng tác, nhưng ông còn vợ và một đứa con nhỏ nên cần có được một nền tài chính đảm bảo để có thể tập trung vào công việc. May mắn thay, một món quà bất ngờ đến từ người khán giả cảm thấy rất hài lòng sau khi thưởng thức Symphonie fantastique và Harold en Italie. Người đó không ai khác ngoài Nicolo Paganini, ông đã gửi cho Berlioz một số tiền không hề nhỏ là 20.000 franc. Điều này đã giúp Berlioz ồn định cuộc sống và tiếp tục sáng tác. Kết quả là ra đời tác phẩm giao hưởng hợp xướng Roméo et Juliette (Roméo và Juliette) dành cho các ca sĩ solo, dàn hợp xướng và dàn nhạc (đúng hơn là mội vở opera theo quy ước nhưng điều này không bao giờ được chấp nhận). Việc này chiếm mất khá nhiều thời gian của người nhạc sĩ và tác phẩm chỉ được biểu diễn tại Nhạc viện Paris vào mùa đông năm 1839. Thành công đến ngay lập tức, tuy nhiên cũng chỉ bù lại phần nào điều bất hạnh mà Benvenuto Cellini đã mang lại. Sau đó Berlioz nhận việc viết phần recitative cho vở opera Der Freischütz (Nhà thiện xạ) của Weber. Sau cái chết của vợ vào năm 1842, ông đi lưu diễn nhiều nơi tại châu Âu, trong đó có Leipzig, nơi ông gặp Mendelssohn và Schumann. Ông đi lưu diễn cùng với Marie Geneviève Martin (sau này trở thành người vợ thứ hai của ông vào năm 1854 và mất vào năm 1862). Chuyến đi tỏ ra rất thành công và tình hình kinh tế của Berlioz được cải thiện rất đáng kể.
Berlioz viết rất nhiều trong thời gian này và hầu hết là những tác phẩm xuất sắc. Overture Le carnaval romain (Lễ hội La Mã), một sự sửa đổi sống động từ những chủ đề của Bevenuto Cellini ra đời năm 1843 và tiếp theo là oratorio La damnation de Faust (Tội đày địa ngục của Faust) vào năm 1846 trong đó chất liệu từ tác phẩm thời kì đầu Huit scénes de Faust dựa trên cảm hứng từ các tác phẩm của Goethe, được sửa đổi và tổ chức lại. Buổi ra mắt tác phẩm tại Paris vào ngày 6 tháng 12 năm 1846 tất nhiên đã không thành công.
Tác phẩm Te Deum (Tụng ca Chúa) được hoàn thành vào năm 1849 và vở oratorio L’enfance du Christ (Tuổi thơ của Chúa Kitô) được viết trong khoảng thời gian từ năm 1850 đến 1854. Sự trong sáng và rõ ràng của tác phẩm đã phản chiếu sự kính trọng của Berlioz đối với kinh thánh.
Sau đó với sự khuyến khích của Liszt, ông bắt tay vào viết các vở opera khác. Đến với Virgil, nhà thơ mà ông yêu thích, ông mất hai năm để viết Les Troyens (Những người thành Troie) mà trên thực tế gồm hai vở dựa trên hai phần khác nhau trong sử thi của Virgil. Đầu tiên là La prise de Troie (Cuộc xâm chiếm thành Troie) kể về sự sụp đổ của thành phố và phần này chỉ được biểu diễn vào năm 1899 sau khi Berlioz qua đời. Tuy nhiên ông được xem phần hai Les Troyens à Cathage (Những người Troie ở Cathage) dựa trên câu chuyện về Dido và Aeneas.
Những sáng tác nhạc và bài viết phê bình cuối cùng của Berlioz cũng quan trọng bởi vì với sự nhận thức muộn mằn của chúng ta sau này, chúng đã mang lại ý nghĩa thứ bậc nào đó cho điều mà mặt khác có vẻ như là một sự phát triển khá không bình thường với tư cách nhà soạn nhạc. Tác phẩm quan trọng Grand traité d’instrumentation et d’orchestration modernes (Đại chuyên luận về phối khí và phối dàn nhạc hiện đại) được xuất bản vào năm 1844 và tiếp theo đó là Les soirées de l’orchestre (Những buổi tối với dàn nhạc, 1852) và Les grotesques de la musique (Những trò lố âm nhạc, 1859). Năm 1862 ông hoàn thành vở opera cuối cùng có tên Béatrice et Bénédict (Béatrice và Bénédict) dựa trên những trải nghiệm của mình với các vở kịch của Shakespeare.
Sau cái chết của đứa con duy nhất vào năm 1867, Berlioz thực hiện tiếp một chuyến lưu diễn dài ngày nữa, lần này là đến Đức và Nga. Ông mất ở Paris vào ngày 8 tháng 3 năm 1869 tại Paris, đau khổ và cô độc trong khi đang chuẩn bị công bố Hồi ký của mình.
Với một chút phán xét, người ta thường nói rằng cuộc đời ông chẳng là gì ngoài tình yêu và những đau đớn cùng cực vì tình yêu. Điều đó có thể rất đúng. Nhưng cũng phải nói thêm rằng khả năng sáng tạo không ngừng và niềm khát khao đến tuyệt vọng của ông đã tìm thấy lối thoát tự nhiên và cái đích của chúng trong sự thành thạo bậc thầy của về dàn nhạc. Âm nhạc của ông được viết cho những dàn nhạc lớn hơn thời kỳ trước đó. Và những âm vang nổi bật lên từ cái mà giờ đây được xem như những nhóm nhạc cụ xác định của ông trong những bộ cố định (bộ dây, bộ đồng, bộ hơi, bộ gõ…) đã được các nhà soạn nhạc sử dụng suốt từ đó.
(Nguồn: nhaccodien.info)
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram