CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA JEAN-BAPTISTE LULLY (1632-1687)

Jean-Baptiste Lully, tên thật là Giovanni Battista Lulli, chào đời tại Florence, ngày 28 tháng Mười một năm 1632 và qua đời tại Paris, ngày 22 tháng Ba năm 1687. Ông là nhà soạn nhạc người Pháp gốc Ý, nhạc trưởng của vua Louis XIV.

Vốn đa tài, không chỉ trong âm nhạc mà còn trong việc tổ chức, nịnh thần cùng dùng mánh khóe, Lully đã thống trị toàn bộ đời sống âm nhạc Pháp thời kỳ Vua Mặt Trời. Có thể nói nhờ ông mà nhiều hình thức âm nhạc thời bấy giờ có cơ hội được biết đến: bi kịch trữ tình, các bản motet, các khúc mở màn theo kiểu Pháp. Ông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống âm nhạc châu Âu cùng thời, nhiều nhà soạn nhạc thiên tài như Henry Purcell, Georg Friedrich Haendel, Johann Sebastian Bach, Jean-Philippe Rameau nhờ có ông mà đạt được hoặc danh hiệu hoặc một điều gì đó.

Jean-Baptiste Lully (1632-1687)

Là con trai của ông chủ cối xay Lorenzo di Maldo Lulli và bà Catarina del Sera, năm 1645, Jean-Baptiste Lully được Roger Lorraine, một kỵ sĩ xứ Malte, phát hiện. Ngay năm sau đó, ông sang Pháp với tư cách người hầu phòng của nữ công tước de Montpensier, người vốn luôn khát khao hoàn thiện môn tiếng Ý của mình. Ở tuổi mười ba, Jean-Baptiste nhanh chóng biểu lộ năng khiếu âm nhạc đặc biệt, ông học violin, guitar, clavecin, tỏ ra xuất sắc trong khiêu vũ và tham gia Grande Bande (dàn nhạc lớn) của Nhà Vua gồm hai mươi tư nhạc công violin.

Năm 1653, ông soạn một số khúc nhạc cho Ballet de la nuit khiến nhà vua rất hài lòng. Ngay lập tức ông giành được quyền chỉ huy Grande Bande rồi được phép của nhà vua thành lập nhóm nhạc triều đình Petits Violons. Như đã nói, vốn khéo léo và là một nịnh thần tài ba, ông không khó khăn gì trong việc trở thành nhà soạn nhạc hàng đầu cung đình, các điệu nhạc cùng các vở ballet do ông sáng tác càng khiến danh tiếng của ông thêm lừng lẫy.

Ông chính thức nhập quốc tịch Pháp năm 1661. Vài tháng sau ngày nhập quốc tịch, ông kết hôn với Madeleine Lambert – cha bà là Michel Lambert, nhạc trưởng của nữ công tước Montpensier. Họ sinh được sáu người con, ba cậu con trai (Louis, Jean-Baptiste II và Jean-Louis) đến lượt mình cũng trở thành nhạc sĩ, và ba cô con gái trong đó cô con gái cả Catherine-Madeleine năm 1684 kết hôn với Jean-Nicolas Francine – người sau này nối nghiệp Jean-Baptiste Lully, trở thành người đứng đầu Viện Hàn lâm Âm nhạc Hoàng gia.

Từ năm 1664 trở đi, Lully thường xuyên làm việc cùng Molière. Molière luôn gọi Lully là «kẻ trụy lạc». Họ cùng nhau tạo ra thể loại comedy-ballet song vẫn gìn giữ thể loại ballet cung đình. Do vậy mà nhiều vở kịch của Molière là sự kết hợp hoàn hảo giữa hài kịch, ballet và ca hát như L’Amour médecin (Mối tình bác sĩ) năm 1665, Pastorale comique (Cô mục đồng hài hước) năm 1667, George Dandin năm 1668, Monsieur de Pourceaugnac (Ngài de Pourceaugnac) năm 1669 và Le Bourgeois gentilhomme (Trưởng giả học làm sang) năm 1679. Tuy nhiên, đến năm 1671, hai thiên tài này bất đồng quan điểm và trở thành kẻ thù của nhau – song không phải vì điều này mà người ta có thể khẳng định lúc hợp tác sáng tác, họ coi nhau như bè bạn. Không một ai, dù là người viết tiểu sử, người viết hồi ký hay bất kỳ kẻ hớt lẻo nào nhắc đến một tình bạn giữa họ!

Năm 1672, Lully mua lại của Perrin quyền ưu tiên trong Viện Hàm lâm Âm nhạc Hoàng gia. Thỏa thuê trong danh tiếng và giàu có, mỗi năm, Lully chỉ còn sáng tác gần như là một tác phẩm bi kịch bằng nhạc và cậy được nhà vua sủng ái, ông tìm cách làm lu mờ tất cả các nhà soạn nhạc cho kịch cùng thời như Marc-Antoine Charpentier, André Campra, Louis-Nicolas Clérambault. Tác giả kịch bản ưa thích của ông chỉ có Philippe Quinault. Năm 1681, Lully đạt đến đỉnh cao danh vọng khi trở thành thư ký của nhà vua.

Mặc dù có sáu người con, song Lully vẫn bị tai tiếng với những vụ quan hệ đồng tính của mình. Louis XIV rất ghê tởm với cái mà khi đó người ta gọi là «các phong tục Ý» nên năm 1685, khi vụ Lully quan hệ với Brunet, một thị đồng trẻ, trở nên rùm beng, uy tín của Lully trong mắt nhà vua đã có đôi chút mai một – bằng chứng là nhà vua không tham dự các buổi trình diễn vở opera cuối cùng của ông, Armide năm 1686. Tác phẩm cuối cùng Lully sáng tác hoàn chỉnh là Acis và Galatée, một bản giao hưởng đồng quê dưới dạng opera dành cho đám nịnh thần tính khí bất thường của con trai vua Louis XIV Grand Dauphin.

Ngày nay, Lully vẫn được biết đến là nhờ các đóng góp của ông đối với âm nhạc tôn giáo và nhạc kịch. Hơn nữa, lịch sử còn coi ông như người thực sự sáng lập ra opera Pháp. Ông đã sáng tác mười bốn vở bi kịch trữ tình, các vở nổi tiếng nhất là Thésée (1675), Atys (1676), Phatéon (1683) và kiệt tác Armide (1686). Trong âm nhạc tôn giáo cũng như trong nhạc kịch, ông đều sáng tác hết sức thoải mái và là tác giả của hơn hai mươi bản motet lớn, nổi tiếng nhất là bản Te Deum năm 1677, và mười một bản motet nhỏ mang đậm phong cách Ý.

Được nhiều nhạc sĩ thời bấy giờ ngưỡng mộ, nhạc của ông được chơi cho tới tận Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Pháp, đến những người Pháp yêu nước nổi tiếng như François Couperin, Marin Marais, Michel-Richard Delalande, Jean-Philippe Rameau mà còn ở khắp cả châu Âu. Nhiều người trong số các học sinh của ông đã góp phần làm cho phong cách nhạc của ông được biết đến ở ngoài nước Pháp: cụ thể là tại những nước nói tiếng Đức, trong lời tựa cho những tác phẩm của mình, Georg Muffat đã miêu tả các cách thức Lully áp dụng trong việc phối nhạc, thể hiện nét hoa mỹ của âm nhạc, cách đưa cây vĩ và kỷ luật trong một dàn nhạc…

Đại diện của Alceste năm 1674 tại Versailles. Từ một bản khắc của Jean Lepautre.

Khi thành lập dàn nhạc của mình, Lully đã trở thành người đầu tiên ở châu Âu lưu tâm đến tính kỷ luật và nhịp điệu. Bản thân ông hướng dẫn các ca sĩ, vũ công làm việc và sắp xếp mọi thứ trong vở kịch theo quy củ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Khả năng tổ chức tài tình này cũng được thể hiện trong tác phẩm của ông. Người nhạc công Lully luôn tuân thủ một hệ thống sáng tác cực kỳ rõ ràng, ít khi để mình quá tự do trong lúc hứng thú song chính điều đó khiến cảm xúc bị hạn chế phần nào. Jean-Philippe Le Cerf de la Viéville từng nói Lully «sẽ phát triển trên nấm mồ của nữ diễn viên la Champmeslé». Quả vậy, mối bận tâm chính của Lully là bắt chước được càng nhiều càng tốt lối ngâm nga cùng những câu từ hoa mỹ của các diễn viên nổi tiếng thế kỷ XVII – những người hết sức tôn trọng vần luật. Lully cũng bận tâm không chỉ đến việc đặt một nốt dài ở một âm tiết có trọng âm, một nốt ngắn ở một âm tiết không có trọng âm, mà còn nhấn mạnh khoảng dừng ở chỗ ngắt hay ở chỗ vần điệu.

Vì điểm yếu ở ông là thể hiện cảm xúc trong nhạc nên có thể nói những bản nhạc gây cảm giác hạnh phúc nhất của ông được sáng tác nhờ những lúc chăm chú ghi lại các trọng âm được phát ra một cách say sưa chứ không phải nhờ sự sáng tạo một giai điệu bản thân nó khiến người ta xúc động. Dù vậy, trong những thời khắc thống thiết, nhạc của ông vẫn chỉ dừng lại ở mức duyên dáng mềm mại chứ không có gì cao trào da diết, đặc biệt, nó mang vẻ quý tộc và đối xứng. Ở đây, các truyền thống trong ba lê có ảnh hưởng lớn đến nhạc của ông: các giai điệu ông viết không thiếu gì những hình thức dứt khoát và nhịp điệu rõ ràng của nghệ thuật múa.

Lully chỉ thực sự xuất sắc với thể loại nhạc miêu tả và phải thừa nhận ông là một nghệ sĩ nghiêng nhiều về trí tuệ. Chẳng hạn khúc “Air du Sommeil” trong Armide của ông có thể được coi là một kiệt tác. Có điều Lully không phải người tô màu: ông chỉ có độc bức tranh mà thôi. Ông không quan tâm đến chi tiết trong việc phối âm hay tổ chức dàn nhạc. Một khi điệu hát đã được tìm thấy thì các phần còn lại chỉ là công việc bếp núc. Bằng việc thiết lập hệ thống kiểu này, Lully đóng vai trò đáng kể trong lịch sử nhạc đàn. Có thể khẳng định rằng nhờ ông, dàn nhạc hiện đại chính thức ra đời với sự cân bằng độ vang và với năm bè đàn dây (violin1, violin 2, viola, cello, contrabass) có trọng tâm.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Serial kiến thức Guitar nền tảng xem tại đây
Serial tự học Guitar đệm hát xem tại đây
Tổng hợp các khóa học Guitar Online đã phát hành xem tại đây

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy trao đổi với mình:
Facebook: https://www.facebook.com/TruongGuitarist
Youtube: https://www.youtube.com/TruongGuitar

Tham gia nhóm giao lưu, chia sẻ kiến thức Guitar cùng mình:
Chia sẻ kiến thức Guitar
Cộng đồng yêu Guitar Việt Nam

Đánh giá bài viết!
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: