CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA SAMUEL BARBER (1910-1981)

Ngay từ khi còn nhỏ, Samuel Barber đã khẳng định mình lớn lên sẽ là một nhà soạn nhạc. Đó thực sự là một lời tiên tri chuẩn xác. Barber ngày nay được coi là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc và quan trọng nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20. Ông có một di sản lớn trong nhiều thể loại khác nhau từ giao hưởng, concerto cho đến opera, nhạc cho ballet, âm nhạc thính phòng, ca khúc hay piano độc tấu. Trong đó, nhiều tác phẩm ngày nay vẫn thường xuyên được biểu diễn như bản violin concerto hay đặc biệt là Adagio cho dàn dây, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Barber được đánh giá cao nhờ chất trữ tình trong âm nhạc của mình, nhiều giai điệu đáng nhớ đưa đến một kết nối về thời thơ ấu hạnh phúc của ông tại West Chester, Pennsylvania. Mặc dù vây, nhìn một cách tổng thể, trong số những nhà soạn nhạc Mỹ nổi bật, âm nhạc của Barber mang tính quốc tế nhất. Mang phong cách tân cổ điển, những sáng tác của Barber vẫn tuân thủ truyền thống Cổ điển nhưng được nhìn qua lăng kính hiện đại và đã tạo ra được những nét đặc trưng của riêng mình.

Barber Samuel (1910 – 1981)

Samuel Barber sinh ngày 9/3/1910 tại West Chester, Pennsylvania trong một gia đình có học thức và địa vị xã hội tại Mỹ. Cha của cậu là bác sĩ, mẹ là một nghệ sĩ piano. Ngoài ra, Louise Homer, giọng contralto tại Metropolitan Opera là dì của Samuel còn nhạc sĩ Sidney Homer, tác giả của một số ca khúc nghệ thuật nổi tiếng lúc bấy giờ là cậu của cậu. Hai người này chính là những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách và thẩm mỹ sáng tác của Barber sau này. Ngay từ nhỏ, Samuel đã bộc lộ khả năng thiên phú của mình. Được cha mẹ cho học piano từ khi lên 6 tuổi, 7 tuổi cậu đã có sáng tác đầu tiên – Buồn bã, một tiểu phẩm dành cho piano độc tấu. Mặc dù vậy, gia đình không có khuynh hướng cho cậu theo đuổi con đường âm nhạc mà muốn hướng Samuel đi theo con đường điển hình của thanh niên Mỹ khi đó: hướng ngoại, tham gia nhiều hoạt động thể thao. Tuy nhiên, khi lên 9 tuổi, trong một bức thư gửi cho mẹ mình, Samuel đã cho thấy mình sở hữu một tư duy độc lập và sự kiên định trong suy nghĩ: “Mẹ yêu quý, con viết thư này để kể cho mẹ nghe bí mật băn khoăn nhất của con. Bây giờ mẹ đừng khóc khi đọc nó vì không phải là lỗi của con hay của mẹ. Con cho rằng con phải nói điều này ngay bây giờ mà đó không phải là hành động ngu dại. Con không muốn trở thành vận động viên. Con muốn trở thành một nhà soạn nhạc và chắc chắn là như vậy. Con sẽ yêu cầu mẹ một điều nữa: đừng bắt con cố gắng quên đi điều không dễ chịu này và chơi bóng đá. Xin hãy làm ơn – con đã lo nghĩ về điều này nhiều đến mức đã phát điên (không nhiều lắm). Yêu mẹ, Sam Barber II”. Và kể từ đó, cậu bé được toàn tâm toàn ý theo đuổi âm nhạc.

Khi lên 10 tuổi, Samuel đã sáng tác vở operetta đầu tiên của mình The Rose Tree, với kịch bản của một người đầu bếp trong gia đình. 12 tuổi, cậu trở thành nghệ sĩ organ tại nhà thờ địa phương và khi 14 tuổi, Samuel theo học chương trình dành cho những nghệ sĩ trẻ của Curtis Institute of Music, Philadelphia – nhạc viện mới được thành lập. Tại đây, cậu bé đã học tập trong 10 năm và được coi là thần đồng trong cả 3 lĩnh vực: sáng tác, chơi piano và thanh nhạc (Samuel có một giọng baritone tuyệt vời). Đồng thời Samuel cũng theo học và tốt nghiệp tại West Chester High School. Ngoài việc học thanh nhạc, piano và sáng tác, Samuel còn học chỉ huy với Fritz Reiner và sau đó là Georges Szell. Năm 1928, Samuel gặp người bạn cùng trường Gian Carlo Menotti, người sau này đã trở thành bạn đời cũng như chia sẻ những quan điểm thẩm mĩ trong âm nhạc. Samuel cũng giành được giải Rome, điều này cho phép cậu tới American Academy ở Rome, nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc từ năm 1935-1937.

Trong thời gian ở Rome, Barber bắt đầu nhận được sự chú ý khi bản giao hưởng số 1, Op. 9 của anh sáng tác trong thời gian này đã thu hút được sụ chú ý của giới mộ điệu khi được biểu diễn vào ngày 12/1936 dưới sự chỉ huy của Bernardino Molinari và Orchestra dell’Accademia Nazionale di Santa Cecilia. Năm 1937, bản giao hưởng này trở thành sáng tác đầu tiên của một nhà soạn nhạc Mỹ được vang lên ở Lễ hội Salzburg do Artur Rodziński chỉ huy. Đây là tác phẩm một chương nhạc được cô đọng lại từ một giao hưởng 4 chương theo truyền thống, theo phong cách bản giao hưởng số 7 của Sibelius. Đây cũng là tác phẩm đặc trưng cho thẩm mĩ sáng tác thời kỳ đầu của Barber khi vẫn sử dụng âm nhạc điệu tính, không có quá nhiều những hoà âm bất hoà và giai điệu trữ tình, quyến rũ. Barber cũng xuất hiện nhiều trong chuỗi chương trình hoà nhạc của NBC Music Guild được phát trên sóng truyền thanh với tư cách ca sĩ giọng baritone và đã sáng tác nhiều ca khúc để mình tự biểu diễn. Năm 1938, Arturo Toscanini đã cùng NBC Symphony Orchestra biểu diễn Adagio cho dàn dây của Barber, một trong những lần hiếm hoi Toscanini chỉ huy tác phẩm của một tác giả Mỹ. Đây là bản chuyển soạn cho dàn dây của Barber từ chương II bản tứ tấu đàn dây, Op. 11 của chính mình. Toscanini đã nhận xét: “Đơn giản và đẹp”. Trong khi bản tứ tấu đàn dây gần như đã bị quên lãng thì Adagio cho dàn dây đã trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của Barber, thường xuyên xuất hiện trong văn hoá đại chúng của người Mỹ cũng như được những dàn nhạc ở châu Âu đón nhận. Giai điệu đẹp nhưng u sầu của tác phẩm khiến nó trở thành bản nhạc thường xuyên vang lên trong những dịp tang lễ. Từ năm 1939-1942, Barber trở thành giảng viên tại Curtis Institute of Music. Năm 1939, Barber sáng tác bản violin concerto, một trong những tác phẩm ưu tú nhất của ông theo lời đề nghị từ nhà công nghiệp Samuel Simeon Fels. Mặc dù ban đầu bản violin bị chỉ trích rằng chương III quá khó chơi và không ăn nhập gì với hai chương trước đó nhưng theo thời gian, đây đã trở thành một trong những bản concerto nổi tiếng nhất mà một nhà soạn nhạc Mỹ từng sáng tác.

Ảnh khi còn trẻ của Samuel Barber (1910 – 1981)

Khi Mỹ gia nhập cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, năm 1942, Barber gia nhập quân đội Mỹ nhưng vẫn sáng tác một số tác phẩm theo đề nghị từ phía Boston Symphony Orchestra như Cello concerto hay Bản giao hưởng số 2 (tác phẩm dành tặng cho lực lượng không quân Mỹ), sau này đã bị ông huỷ bỏ. Cello concerto cũng là một trong những sáng tác tiêu biểu của Barber, dù không được biểu diễn quá nhiều do những đòi hỏi quá khắt khe về mặt kỹ thuật. Chiến tranh kết thúc, Barber và Menotti định cư ở Mount Kisco, New York. Ông sinh sống tại đây cho tới năm 1972 và đó là giai đoạn sáng tác dồi dào nhất của Barber. Những tác phẩm đáng chú ý trong thời gian đầu ở đây của ông là âm nhạc cho vở ballet Medea (1946) và tác phẩm thanh nhạc Knoxville: Summer of 1915 (1948) dành cho giọng nữ cao và dàn nhạc theo đề nghị của soprano Eleanor Steber. Năm 1949, một thành công nữa đến với Barber khi nghệ sĩ piano huyền thoại Vladimir Horowitz đã lần đầu tiên công diễn bản piano sonata của ông, một tác phẩm không chỉ nổi bật với những yêu cầu về mặt kỹ thuật mà còn cho thấy sự khác biệt trong phong cách sáng tác của ông so với giai đoạn trước đó. Bản piano sonata có màu sắc của âm nhạc vô điệu tính theo trường phái Schoenberg dù vẫn giữ những cấu trúc truyền thống.

Trong thập niên 50, Barber thường xuyên biểu diễn và thu âm các tác phẩm của mình tại châu Âu với những dàn nhạc như Berlin Philharmonic hay Frankfurt Radio Symphony. Để có thể tự mình chỉ huy dàn nhạc, ông tiếp tục theo học với Nikolai Malko. Năm 1953, Barber được giới thiệu với soprano đầy triển vọng lúc bấy giờ Leontyne Price khi ông đang tìm kiếm ca sĩ để hát chùm ca khúc Hermit của mình. Ấn tượng với tài năng của Price, Barber đã mời cô hát trong buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm này tại Thư viện quốc hội với đích thân ông đệm piano. Price đã trở thành người bạn thân thiết của Barber và hai người đã cộng tác chặt chẽ với nhau trong suốt những năm sau đó. Tháng 1/1958, Vanessa, vở opera đầu tiên của ông với kịch bản của Menotti được công diễn tại Metropolitan Opera với dàn diễn viên ngôi sao Steber, Rosalind Elias, Regina Resnik, Nicolai Gedda và Giorgio Tozzi. Đây cũng là vở opera của Mỹ đầu tiên được xuất hiện tại Liên hoan Salzburg.

Barber lúc này đã trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời âm nhạc cổ điển nước Mỹ. Ông được đặt hàng sáng tác ba tác phẩm nhân dịp khai trương Trung tâm Lincoln, New York. Tác phẩm đầu tiên là bản piano concerto được John Browning biểu diễn vào tháng 9/1962 tại Philharmonic Hall cùng Boston Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Erich Leinsdorf. Bản concerto được viết khó đến nỗi Horowitz sau khi xem tác phẩm đã đưa ra nhận xét rằng chương ba không thể chơi được với tốc độ ghi trong tổng phổ. Tác phẩm thứ hai là Andromache’s Farewell, dành cho giọng nữ cao và dàn nhạc được Martina Arroyo với Thomas Schippers chỉ huy New York Philharmonic vào tháng 4/1963. Tác phẩm cuối cùng là vở opera thứ ba và cũng là cuối cùng của ông, Antony and Cleopatra, với Leontyne Price và Justino Diaz trong những vai chính. Hầu hết những sáng tác của Barber đều được khán giả và giới phê bình đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên Antony and Cleopatra là một ngoại lệ, nó đã có buổi ra mắt không thành công và bị chỉ trích khá thậm tệ. Đó là một cú sốc lớn đối với Barber, nhà soạn nhạc tin rằng vở opera chứa đựng nhiều giai điệu tuyệt vời nhất của mình. Ông và Menotti đã dành nhiều năm sau đó để sửa chữa lại tác phẩm. Phiên bản sửa chữa của vở opera được ra mắt vào năm 1975.

Sự thất bại của Antony and Cleopatra đã có những tác động tiêu cực tới cuộc sống và sự nghiệp của Barber. Ông sa vào chứng nghiện rượu và bị trầm cảm nặng nề. Barber không sinh sống thường xuyên ở New York nữa mà hay chuyển tới một ngôi nhà nhỏ tại Santa Christina, Ý, nơi ông tự nhốt mình trong đó. Mối quan hệ của ông với Menotti ngày càng trở nên căng thẳng, dẫn đến việc hai người chia tay vào năm 1972 dù vẫn giữ mối quan hệ bạn bè. Bất chấp những rắc rối gặp phải trong cuộc sống, Barber vẫn tiếp tục sáng tác. Năm 1969, Price trình diễn tập bài hát Despite and Still của Barber, trong đó nỗi cô đơn, bất hạnh, những gì phiền muộn nhất trong cuộc sống của ông với Menotti đều được giãi bày. Âm nhạc của Barber trong giai đoạn này cũng trở nên cách tân hơn, sử dụng vô điệu tính và những hoà âm nghịch tai, đối chọi nhau, phù hợp với xu thế sáng tác của thời đại. Tác phẩm cuối cùng của Barber là Canzonetta cho oboe và dàn nhạc dây được hoàn thành vào năm 1978. Ban đầu ông định sáng tác một concerto dành cho oboe nhưng Barber đã qua đời trước khi hoàn thành ý định của mình.

Từ năm 1978, Barber đã hầu như phải ngưng mọi hoạt động âm nhạc để chữa trị căn bệnh ung thư. Ông đã qua đời vào ngày 23/1/1981 ở tuổi 71 và được chôn cất tại nghĩa trang Oaklands, bên cạnh người mẹ yêu dấu của mình.

Barber luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật và không bao giờ dao động trước những gì mình tin tưởng. Là một tượng đài thật sự của nền âm nhạc cổ điển còn non trẻ của nước Mỹ, Barber luôn được ca ngợi và tôn vinh. Nhà phê bình âm nhạc Oaklands Donal Henahan đã nhận xét: “Có lẽ không có nhà soạn nhạc người Mỹ nào được ca ngợi sớm, bền bỉ và lâu dài như vậy”. Sống trong thế kỷ 20 nhưng Barber luôn có xu hướng tránh xa những thử nghiệm âm nhạc hiện đại mà thường trung thành với lối hoà âm cổ điển truyền thống của thế kỷ 19 với những giai điệu trữ tình và cảm xúc chân thành. Có thể ông đã kết hợp với một số thủ pháp sáng tác của thời đại mình nhưng nguồn cảm hứng chính vẫn xuất phát từ chủ nghĩa Lãng mạn và mang lại một sức sống và sự sinh động mới cho các hình thức của quá khứ. Cũng giống như Brahms, người có khuynh hướng tôn vinh những cấu trúc của Thời kỷ cổ điển và Baroque trong thời kỳ mà chủ nghĩa Lãng mạn đang lan toả sức sống mạnh mẽ xung quanh ông, Barber luôn bị di sản phong phú của những nhà soạn nhạc trước đó như Bach, Mozart và chính Brahms kích thích. Nhưng đó không phải là sự sao chép mà Barber luôn tìm kiếm những khía cạnh mới, tạo ra được giọng điệu riêng biệt và không lẫn vào đâu được.

Trên thực tế, không phải không có những lời phê bình dành cho toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của Barber. Rõ ràng, trong thời kỳ mà thứ âm nhạc của Schoeberg, Stravinsky, Bartók chiếm lĩnh, các tác phẩm của Barber bị chê bai là lỗi thời và lạc hậu. Bên cạnh đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc chỉ trích âm nhạc của Barber không đủ chất Mỹ. Mỉa mai thay, những nhân vật mà họ tôn vinh là Aaron Copland, George Gershwin hay Leonard Bernstein đều là người nhập cư Do Thái. Barber dù có gốc gác “thuần chủng” hơn nhưng âm nhạc của ông mang tính quốc tế và vượt qua rào cản quốc tịch.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Serial kiến thức Guitar nền tảng xem tại đây
Serial tự học Guitar đệm hát xem tại đây
Tổng hợp các khóa học Guitar Online đã phát hành xem tại đây

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy trao đổi với mình:
Facebook: https://www.facebook.com/TruongGuitarist
Youtube: https://www.youtube.com/TruongGuitar

Tham gia nhóm giao lưu, chia sẻ kiến thức Guitar cùng mình:
Chia sẻ kiến thức Guitar
Cộng đồng yêu Guitar Việt Nam

5/5 - (1 bình chọn)
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: