NHỮNG CÂY ĐÀN GUITAR MÀ BARRIOS MANGORE SỞ HỮU

Agutín Barrios Mangoré là một nhạc sĩ viết nên những tác phẩm hay nhất dành cho đàn guitar, bên cạnh việc sáng tác, ông còn là một nghệ sĩ biểu diễn guitar bậc thầy. Cuộc đời của ông gắn liền với cây đàn guitar, loại nhạc cụ giúp ông tạo những âm thanh ấm áp, trữ tình đến với công chúng yêu âm nhạc. Bài viết này sẽ tìm hiểu về những cây đàn guitar Barrios đã sử dụng theo nghiên cứu Richard D. Stover.

Thuở còn nhỏ, Barrios chơi những cây đàn được làm ở quê nhà. Có hai tấm ảnh ông đã chơi những cây đàn trong giai đoạn ấy, cả hai cây đàn đều có chốt chỉnh dây bằng gỗ (và có thể là dây kim loại).

Barrios và một trong những cây đàn đầu tiên sản xuất tại Paraguay
(chú ý: chốt chỉnh dây bằng gỗ)

Khi ông đến Buenos Aires (Argentina), ông đã được tặng cây đàn của nhà làm đàn José Ramirez de Galarreta (Tây Ban Nha), là một người anh em họ của Manuel Ramirez de Galarreta được biết đến nhiều hơn. José Ramirez đến Buenos Aires năm 1905, và ở lại thủ đô Argentina 15 năm trước khi về Madrid. Barrios đã sử dụng cây đàn này đến năm 1915, khi nó bị hư hỏng, ông đã tặng nó cho một người bạn ở Tranqueras (Uruguay), ông viết bằng bút mực lên cây đàn: “Modesto thân mến: Tôi để lại cho cậu mảnh linh hồn dao động này để chứng minh sự chân thành của tôi dành cho bạn và cũng như của bạn dành cho tôi. A.Barrios. Ngày 6 tháng 7, 1915”. Cây đàn này đã bị chìm trong nước là kết quả của một tai nạn khi Barrios băng qua sông cùng một chiếc xe ô tô. Chiếc ô tô được đặt trên một chiếc bè, nhưng không may bè bị mất neo và ô tô rơi xuống sông. Barrios rõ ràng đã có được một cây đàn khác của José Ramirez cho chương trình được tổ chức ở Buenos Aires năm 1923, ở dưới cùng danh sách tiết mục có đề dòng chữ: “Guitar: José Ramirez”. Năm 1926 ông cũng đã giới thiệu cây đàn Ramirez của mình để “thanh toán bằng nghệ thuật” cho một buổi tiệc mà ông tham dự ở Cerro Chato, Uruguay.

Barrios ở Buenos Aires với cây đàn guitar José Ramirez, năm 1910.

Barrios cũng sở hữu những cây đàn guitar của nhà làm đàn Romeo DIGiorgio (Brazil) và nghệ nhân Rodolfo Camacho (Argentina, 1887 – 1973). Năm 1925, Barrios tuyên bố rằng Camacho: “có một vị trí nhất định ở đẳng cấp cao nhất của những nhà làm đàn của thời đại”. Ông cũng sở hữu những cây đàn guitar được chế tác bởi những nhà làm đàn Tây Ban Nha: Domingo Esteso, Enrique García, Enrique Sanfeliu and Morant. Tất cả những cây đàn trên, ông đều sử dụng dây kim loại. Cây đàn guitar của Enrique García ngày nay được sở hữu bởi một nhà sưu tầm tư nhân ở Sao Paulo (Brazil). Cây đàn thể hiện nó bị ảnh hưởng từ lực kéo được tạo ra bởi dây kim loại: ngựa đàn được nâng lên một chút và bị kéo về phía trước, và mặt đàn của nó bị cong về phía sau của ngựa đàn. Cây đàn guitar rất dễ chơi nhưng nó không tạo ra âm lượng lớn.

Barrios năm 1912. Đây là một cây đàn khác, có lẽ được làm bởi Radolfo Camacho (Argentina). Ở phía dưới mặt đàn có thể đọc được những chữ rất mờ: “A Sarita” (Gửi Sara bé nhỏ), một người phụ nữ mà Barrios tặng cho tấm ảnh này cũng như một bản Mazurka cùng tên.

Ở Paraguay, Barrios sử dụng đàn guitar của Enrique Sanfeliu (Barcelona, năm 1930). Hiện nay còn được giữ tại Bộ Văn hóa Paraguay. Cây đàn có thêm ngăn phía thứ 20 mà Barrios cần thiết. Cây đàn này được trao tặng bởi Luisa Lebrón de Salomoni và gia đình Salomonis được mang trở về Paraguay vào năm 1936. Cây đàn có một lớp phủ trang nhã, trên đầu đàn được khảm viền bằng vàng thể hiện rõ tên viết tắt A.B.M. (tức là Agustín Barrios Mangoré). Sự bổ sung những chi tiết này rõ ràng được thực hiện ở Brazil, cùng một lúc với ngăn phím mới được thay vào (khoảng năm 1930).

Ba góc nhìn của guitar Enrique Sanfeliu được trưng bày ở Bộ Giáo dục và Văn hóa Paraguay, Asunción. Barrios đã đặt cây đàn này ở Brazil năm 1930, cần đàn có 20 ngăn phím, đầu đàn có chữ khảm vàng tên viết tắt A.B.M. (Agustín Barrios Mangoré)

Barrios chỉ dành một lời bình luận duy nhất cho cây đàn guitar của mình, Tiến sĩ  Edgeworth Johnstone kể lại: “Tôi đã hỏi Barrios về cây đàn của ông ta, nó được làm bởi Domingo Esteso, Madrid (Tây Ban Nha), ông ấy nói nó tốt hơn cây đàn của Simplicio, cái mà tôi đã sở hữu trước đó”. Cây đàn của Esteso (sản xuất năm 1934) có lẽ được Barrios ưa thích nhất. Ông đã có được nó vào khoảng thời gian sống với Tomás Salomoni, cũng là cây đàn guitar ông đã giữ gìn đến ngày cuối đời. Sau khi Barrios qua đời, cây đàn này được Gloria (vợ Barrios) bán với giá 6000 colones cho một “quý bà giàu có đã học guitar với Barrios ở San Salvador”. Bà ấy đã trở về Đức sau khi kết thúc chiến tranh và mang cây đàn theo cùng.

Barrios và cây đàn Morant được Nữ hoàng Eugenia Victoria trao tặng.
Cây đàn này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Guzmán, San Salvador.

Phân tích các bản thu âm của Barrios, có thể nhận thấy rằng ông đã điều chỉnh cao độ guitar của mình ở một khoảng nào đó thấp hơn khoảng nửa cung, đến một cung so với cung hòa tấu (note La (A) chuẩn ở cao độ 440 Hz). Điều này để giảm tối thiểu lực căng lớn của dây kim loại tác dụng vào ngựa đàn. Nó cũng có thể lên quan đến “âm thanh” của cây đàn – bằng cách điểu chỉnh lệch một chút có thể thu được nhiều âm sắc khác nhau. Hoặc có thể Barrios điều chỉnh dây theo “cảm giác” – ở một cao độ nhất định (không phù hợp với cao độ của cung hòa tấu), nhưng “đúng” với ông ấy. Ngoài ra, những nhân chứng ở những địa phương khác nhau, vào những thời điểm khác nhau chứng thực rằng Barrios đã sử dụng dây kim loại cho: hoặc chỉ dây đàn số 1; hoặc 3 dây treble (dây 1,2,3); hoặc cả 6 dây.

Cùng thưởng thức bản thu âm La Catedral cho chính tác giả Barrios thực hiện ngày 01/8/1928 (August 1st,1928)

(Tác giả: Nguyễn Huỳnh Thy Phương – classicalguitar.nguyenhuynh.info)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram

5/5 - (3 votes)
CHIA SẺ BÀI VIẾT!

About the author

Trần Văn Trường là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Việt Nam. Được đào tạo âm nhạc bài bản và chính quy, chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh cũng thường xuyên mở các lớp nhạc thiện nguyện để phổ cập âm nhạc cho cộng đồng.
error: